Trung Quốc: Xuất khẩu thép tháng 6 giảm, nhưng dự kiến vẫn duy trì ở mức cao nửa cuối năm
Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm 2025 nhiều khả năng sẽ vượt năm 2024, nhờ mức giá cạnh tranh và nhu cầu ổn định từ nước ngoài. Đặc biệt, xuất khẩu phôi thép trong nửa đầu năm đã tăng gần gấp sáu lần so với cùng kỳ năm trước.
22/07/2025 16:14
Xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 6 giảm so với tháng trước, song vẫn ở mức cao trong lịch sử, theo dữ liệu từ hải quan Trung Quốc công bố ngày 21/7.
Theo một số nguồn tin thị trường tại Trung Quốc, xuất khẩu thép của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2025 có thể thấp hơn so với nửa đầu năm, nhưng tổng khối lượng xuất khẩu cả năm vẫn có khả năng vượt qua mức xuất khẩu của năm 2024.
Trong tháng 6, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,854 triệu tấn, giảm 9,2% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng xuất khẩu đạt 64,045 triệu tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm trong nửa đầu năm giảm 26,8%, xuống chỉ còn 3,552 triệu tấn. Nhờ đó, xuất khẩu ròng của Trung Quốc trong giai đoạn này đạt 60,493 triệu tấn, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giới phân tích nhận định, nhu cầu trong nước yếu và tâm lý tranh thủ xuất khẩu trước khi các rào cản thương mại gia tăng là hai nguyên nhân chính thúc đẩy xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh trong nửa đầu năm.
Một nguồn tin từ doanh nghiệp thương mại cho biết: “Đợt xuất khẩu mạnh trong nửa đầu năm đã kéo một phần nhu cầu từ nửa cuối năm về sớm hơn. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa, đặc biệt là đối với thép xây dựng, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong nửa cuối năm 2025. Điều này sẽ khiến giá thép nội địa duy trì ở mức thấp và tiếp tục hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.”
Một nhà giao dịch khác tại Trung Quốc nhấn mạnh: “Giá cả hấp dẫn là nguyên nhân chính giúp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này xuất phát từ sự suy giảm kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, kéo theo nhu cầu nội địa giảm sút.”
Một thương nhân nhận định: “Gần như không có khả năng nhu cầu nội địa sẽ phục hồi trong nửa cuối năm. Do đó, trừ khi Trung Quốc cắt giảm mạnh sản lượng thép hoặc siết chặt chính sách xuất khẩu – điều mà tôi không cho là sẽ xảy ra – thì Trung Quốc vẫn sẽ giữ được đà xuất khẩu mạnh trong ít nhất là năm nay.”
Mặc dù Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm công suất thép dư thừa, nhưng các nguồn tin nhận định quá trình này sẽ diễn ra chậm và không thể mang lại tác động tức thì đối với thị trường nội địa.
Trong bối cảnh đó, một số nguồn tin cho biết việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định và duy trì thị trường lao động là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm nay. Do vậy, chính phủ sẽ thận trọng khi đưa ra bất kỳ chính sách thắt chặt nào, bao gồm việc cắt giảm sản lượng thép hoặc hạn chế xuất khẩu.
Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm của Trung Quốc năm 2024 đạt 117,055 triệu tấn, tăng 25,1% so với năm trước. Một số chuyên gia nhận định con số này có thể được duy trì hoặc thậm chí tăng nhẹ trong năm 2025.
Xuất khẩu phôi thép tiếp tục tăng mạnh
Trong số các mặt hàng, phôi thép ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 6 nhờ rào cản thương mại thấp và giá cả cạnh tranh, trong bối cảnh nhu cầu thép xây dựng trong nước suy yếu. Lượng xuất khẩu phôi đạt hơn 1,03 triệu tấn, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm 2025, xuất khẩu phôi thép đã tăng gần 6 lần, tương đương 4,231 triệu tấn, đạt tổng cộng 5,2 triệu tấn.
Phôi thép thường được xem là sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, nên việc xuất khẩu mặt hàng này không được khuyến khích. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường cho rằng việc Trung Quốc áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này trong tương lai gần là điều khó xảy ra.
Việc duy trì xuất khẩu mạnh đóng vai trò then chốt trong việc ổn định thị trường nội địa và lợi nhuận của các nhà máy thép. Do vậy, việc thắt chặt chính sách xuất khẩu thép trong giai đoạn này được cho là không phù hợp, do có thể tạo ra áp lực giảm giá đáng kể lên thị trường nội địa.
T.L