Trung Quốc: Sản lượng thép giảm trong tháng 6/2025, triển vọng nhu cầu không khả quan

Ngành xây dựng Trung Quốc tiếp tục giảm, cuộc họp của cơ quan cấp cao Trung Quốc chưa tạo ra cú hích đáng kể hỗ trợ thị trường bất động sản.

18/07/2025 16:40

Sản lượng thép của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 6, xuống mức thấp hơn cả mức trung bình theo ngày trong giai đoạn tháng 1-2, vốn là thời điểm hoạt động thị trường trầm lắng do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 15/7, sản lượng gang và thép thô của nước này trong tháng 6 đạt lần lượt 71,91 triệu tấn và 83,18 triệu tấn, giảm 4,1% và 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng gang trung bình hàng ngày trong tháng 6 đạt 2,397 triệu tấn, tăng 0,3% so với mức trung bình tháng 5. Tuy nhiên, sản lượng thép thô trung bình hàng ngày lại giảm 0,7% so với tháng trước, xuống còn 2,773 triệu tấn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng gang và thép thô của Trung Quốc giảm lần lượt 0,8% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 434,68 triệu tấn và 514,83 triệu tấn. Theo số liệu NBS, sản lượng thép thô trung bình hàng ngày trong tháng 6 thấp hơn 1,6% so với mức trung bình tháng 1-2.

Tuy nhiên, một số nguồn tin thị trường cho rằng con số thực tế trong tháng 6 có thể còn thấp hơn.

“Mức sản xuất thép thô hàng ngày trong tháng 6 thấp hơn cả mức trung bình của tháng 1–2 là điều bất hợp lý,” một người tham gia thị trường nhận định. Thông thường tháng 1 và 2 là giai đoạn nhu cầu yếu nhất trong năm do trùng với các kỳ nghỉ lễ lớn tại Trung Quốc, khiến nhiều lò điện hồ quang (EAF) phải ngừng hoạt động và các lò cao cũng giảm công suất.

“Nhu cầu sử dụng thép trong giai đoạn Tết Nguyên đán thường rất thấp, nên không thể có chuyện nhu cầu và sản lượng thép trong tháng 6 còn yếu hơn cả thời điểm đó,” một người trong ngành nói.

Một nguồn tin khác bổ sung: “Nhờ xuất khẩu mạnh, tổng nhu cầu thép trong và ngoài nước của Trung Quốc trong tháng 6 lẽ ra vẫn ở mức tương đương cùng kỳ năm ngoái. Nếu đúng là sản lượng thép thô giảm tới 9% so với năm ngoái, thì giá thép lẽ ra đã phải tăng mạnh.”

Theo số liệu hải quan công bố ngày 14/7, xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 10,7% so với cùng kỳ, đạt 9,678 triệu tấn. Xuất khẩu các sản phẩm cơ khí và điện tử - nhóm hàng chủ lực kéo theo nhu cầu thép chế tạo - cũng tăng 8,2% về giá trị tính theo USD.

Tuy nhiên, trong tháng 6, Platts ghi nhận giá thép cây và cuộn cán nóng nội địa Trung Quốc trung bình lần lượt ở mức 3.075 NDT/tấn (429 USD/tấn) và 3.205 NDT/tấn, giảm 1,5% và 2,1% so với tháng 5, giảm 15,8% và 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Một số chuyên gia thị trường nhận định rằng, trừ khi các nhà máy thép có thể cắt giảm sản lượng hiệu quả, thị trường thép Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu áp lực trong nửa cuối năm 2025 do triển vọng nhu cầu không mấy khả quan.

Bất động sản tiếp tục là gánh nặng

Ngành bất động sản, lĩnh vực tiêu thụ thép lớn nhất tại Trung Quốc, vẫn tiếp tục trên đà suy giảm trong tháng 6.

Theo các nguồn tin, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2025 do thiếu các biện pháp kích thích hỗ trợ người mua nhà và khởi công xây dựng mới.

Tổng diện tích sàn bán nhà mới trong nửa đầu năm giảm 3,5% so với cùng kỳ, mạnh hơn mức giảm 2,9% ghi nhận trong 5 tháng đầu năm. So với giai đoạn đỉnh điểm năm 2021, mức giảm này lên tới 48,2%, theo số liệu NBS.

Song song với doanh số bán nhà giảm, diện tích khởi công nhà ở mới cũng giảm 20% so với cùng kỳ và thấp hơn 70% so với năm 2021.

Hội nghị Công tác Đô thị Trung ương được tổ chức vào ngày 15/7, đánh dấu lần đầu tiên sau 10 năm sự kiện này diễn ra. Lần tổ chức trước vào năm 2015 đã dẫn đến các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy nhu cầu thép.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng quá trình phát triển đô thị đang chuyển từ giai đoạn mở rộng quy mô sang giai đoạn nâng cao chất lượng sống và hiệu quả đô thị.

Một số ý kiến cho rằng, trọng tâm chính sách hiện nay là hướng tới phát triển bền vững, chứ không còn tập trung vào việc xây thêm nhà ở, văn phòng hay trung tâm thương mại mới.

Do đó, ngay cả khi thị trường bất động sản chạm đáy vào năm 2026, hoạt động xây dựng và nhu cầu thép từ lĩnh vực này có khả năng vẫn ở mức thấp trong nhiều năm tới.

Hạ tầng vẫn yếu

Ngành hạ tầng - lĩnh vực tiêu thụ thép quan trọng khác - cũng không tạo được cú hích đáng kể trong bối cảnh bất động sản suy yếu.

Đầu tư vào hạ tầng trong nửa đầu năm 2025 tăng 4,6% so với cùng kỳ, chậm lại so với mức tăng 5,6% của 5 tháng đầu năm và 5,8% của 4 tháng đầu năm.

“Một phần các gói kích thích tài khóa, như trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, đã được dùng để tái cơ cấu nợ hoặc trữ đất, thay vì đầu tư vào hạ tầng,” một nguồn tin cho biết.

Cụ thể, trong tổng số trái phiếu đặc biệt phát hành nửa đầu năm, khoảng 21,5% được dùng để trả nợ cũ, 8,9% cho việc dự trữ đất, và chỉ 69,6% thực sự được đầu tư vào các dự án hạ tầng - giảm so với mức 77,1% của năm 2024.

Một số người trong ngành cho rằng nhờ xuất khẩu hàng chế tạo tăng mạnh, nhu cầu thép từ lĩnh vực sản xuất đã phần nào bù đắp cho sự suy yếu của mảng xây dựng trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong nửa cuối năm 2025, do căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng. 

T.L