Trung Quốc: sản lượng giảm và xuất khẩu tăng mạnh giúp thị trường thép dài duy trì ổn định trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu
Doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu, trong khi sản lượng thép dài được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong mùa thấp điểm. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thép dài vẫn duy trì mạnh mẽ, giúp hỗ trợ thị trường trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu.
08/07/2025 15:41
Mặc dù thị trường thép xây dựng tại Trung Quốc tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ sự suy giảm kéo dài của lĩnh vực bất động sản và đầu tư hạ tầng yếu, một số yếu tố tích cực như sản lượng cung ứng giảm, tồn kho thấp và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ đang đóng vai trò hỗ trợ đáng kể cho thị trường thép dài trong giai đoạn thấp điểm tháng 7 và tháng 8.
Theo các nguồn tin thương mại, lĩnh vực bất động sản – vốn chiếm khoảng 26% tổng nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc – tiếp tục đi xuống. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị bán nhà mới của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,836 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 256,4 tỷ USD), giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2024. Mức sụt giảm này còn cao hơn mức giảm 10,8% ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, theo dữ liệu mới nhất từ China Index Holdings.
Công ty này cũng cho biết, 20 nhà phát triển bất động sản tiêu biểu đã thu về tới 87,8% doanh số từ các thành phố hạng nhất và hạng hai. Tuy doanh số tại các khu vực này đang có dấu hiệu chạm đáy và ổn định trở lại, nhưng các thành phố cấp thấp hơn vẫn tiếp tục ghi nhận tình trạng tiêu thụ kém, kéo giảm tổng thể thị trường.
Ngay cả khi doanh số bán nhà mới có thể dần ổn định trong năm 2026 sau hơn năm năm sụt giảm liên tiếp, một số chuyên gia trong ngành thép cho rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để hoạt động khởi công xây dựng nhà mới phục hồi thực sự. Nguyên nhân là do tình trạng dư cung nhà ở kéo dài, thu nhập hộ gia đình kém khả quan và dân số đang suy giảm.
Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng – từng là điểm tựa quan trọng cho tiêu thụ thép xây dựng – hiện cũng không còn đủ sức để bù đắp cho sự suy giảm từ bất động sản. Nguyên nhân chính là tình trạng thiếu vốn ở chính quyền địa phương và thiếu các dự án hạ tầng có mức tiêu thụ thép cao, theo nhận định từ các nguồn thị trường.
Tình hình này khiến cho nhu cầu thép xây dựng, bao gồm thép cây và thép cuộn, giảm sút đáng kể. Tính đến cuối tháng 6, mức tiêu thụ hai loại sản phẩm này đã thấp hơn 7-9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nguồn tin thị trường dự báo nhu cầu yếu này sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa cuối năm 2025, gây áp lực giảm giá lên thị trường thép dài trong nước.
Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố tích cực mang lại hy vọng cho thị trường. Một thương nhân trong nước cho biết: “Nhờ sản lượng cung ứng thép dài giảm, trong khi xuất khẩu lại đặc biệt duy trì ở mức cao, tồn kho trong nước hiện đang ở mức thấp. Điều này sẽ hỗ trợ giá thép trong giai đoạn thấp điểm tháng 7 và tháng 8 tới”.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, trong tháng 5, sản lượng thép cây và thép cuộn đã giảm lần lượt 6% và 1,2% so với cùng kỳ, xuống còn 16,88 triệu tấn và 12,02 triệu tấn. Một số nguồn tin dự báo sản lượng sẽ còn giảm thêm trong tháng 6 và tháng 7.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thép cây tăng 57%, thép cuộn tăng 46%, và phôi thép tăng đến 471% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 2,18 triệu tấn, 3,68 triệu tấn và 4,17 triệu tấn, theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence.
Xuất khẩu tang nhanh đã giúp giảm tồn kho nội địa rõ rệt. Tính đến ngày 20 tháng 6, tồn kho thép cây trong nước giảm 32% và thép cuộn giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn lại 3,1 triệu tấn và 630.000 tấn.
Theo nhiều nguồn tin thị trường, xuất khẩu thép dài của Trung Quốc kỳ vọng vẫn có thể duy trì đà tăng trong những tháng tới, tiếp tục làm giảm áp lực cung trong nước. “Với hoạt động xuất khẩu mạnh và tồn kho thấp, giá thép cây – đại diện cho thị trường thép dài – có thể phục hồi nhẹ trong thời gian tới, dù mức tăng sẽ bị giới hạn bởi nhu cầu nội địa yếu,” một nguồn tin cho biết.
Giá thép cây nội địa Trung Quốc được Platts ghi nhận ở mức 3.060 Nhân dân tệ/tấn (khoảng 427 USD/tấn) vào đầu tháng 7, giảm 7,8% so với thời điểm cuối tháng 2 và giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, một báo cáo phân tích từ CRU cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là nhà xuất khẩu thép hàng đầu trong năm 2025 nhờ vào ba yếu tố chính: nhu cầu tăng trưởng tại các thị trường nhập khẩu (châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương), thị phần ngày càng tăng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc, và tốc độ mở rộng năng lực sản xuất nội địa tại các thị trường này.
CRU đưa ra ba kịch bản dự báo cho xuất khẩu thép năm 2025 của Trung Quốc:
- Kịch bản cơ bản: xuất khẩu thép dài tăng thêm 4 triệu tấn trong năm, trong khi xuất khẩu thép dẹt giảm 3 triệu tấn.
- Kịch bản lạc quan: thép dài tăng 6 triệu tấn và thép dẹt tăng 2,3 triệu tấn, nhờ nhu cầu cao hơn tại các thị trường nhập khẩu chủ chốt và thị phần ngày càng tăng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong tổng số các nước xuất khẩu ròng.
- Kịch bản tiêu cực: thép dài chỉ tăng 1 triệu tấn, thép dẹt giảm mạnh 4,6 triệu tấn do rủi ro nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu, sự sụt giảm thị phần của các nhà xuất khẩu Trung Quốc trong số các nước xuất khẩu ròng và tốc độ mở rộng công suất nội địa tại các nước nhập khẩu chậm lại.
Sự chuyển dịch cơ cấu giữa thép dẹt và thép dài cũng là điểm đáng chú ý trong năm nay. Nếu như năm 2024 xuất khẩu thép dẹt đóng vai trò chính trong tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc, thì năm 2025 được dự báo là năm của thép dài, trong bối cảnh các rào cản thương mại đối với thép dẹt gia tăng và nhu cầu tại các khu vực xuất khẩu chính giảm tốc.
T.L