Thép cuộn xây dựng giảm giá lần ba trong năm

Bước vào tháng 4, giá thép cuộn tiếp tục được các nhà sản xuất điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn cho phù hợp với diễn biến giá nguyên liệu đầu vào. Mặc dù lĩnh vực xây dựng đang gặp nhiều khó khăn và thị trường thép xây dựng vẫn đang nằm trong diễn biến giảm giá; nhưng tâm lý thị trường đang dần được cải thiện khi đà giảm của giá thép xây dựng đã bắt đầu chậm lại trong hai lần điều chỉnh gần đây; đồng thời việc thực hiện sớm Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 tới được nhận định sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản sớm hồi phục trở lại.

04/04/2024 17:55

Tuần đầu tháng 4, các nhà sản xuất tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép cuộn xây dựng thêm 100.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm giá thứ ba của thép cuộn tính từ đầu năm 2024 cho tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.

Tham khảo giá giao dịch thực tế tại các nhà máy ngày 4 tháng 4 như sau:

  • Thép cuộn: miền Bắc dao động từ 13,7 - 14,15 triệu đồng/tấn, miền Trung từ 13,9 - 14,55 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 13,8 - 14,4 triệu đồng/tấn (Giá bán tại nhà máy, thanh toán ngay, đã trừ chiết khấu, hỗ trợ, chưa VAT).
  • Thép thanh vằn: khu vực miền Bắc dao động từ 14 - 14,35 triệu đồng/tấn, miền Trung từ 14,08 - 14,65 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 14,05 - 14,65 triệu đồng/tấn (Giá giao tại nhà máy, thanh toán ngay, đã trừ chiết khấu, hỗ trợ, chưa VAT).

1

Diễn biến giảm giá của thị trường thép xây dựng nội địa năm nay đến sớm hơn so với hai năm gần đây; như năm 2023 xu hướng giảm giá bắt đầu từ tháng 4, năm 2022 giảm giá bắt đầu từ tháng 5. Trong khi đó năm 2021 giá lại giảm trong tháng 2, tháng 3 và tăng trở lại từ tháng 4. Nhìn chung, thị trường thép những năm gần đây hầu như không diễn ra theo thông lệ, biến động khó lường và khó dự báo.

2

Giá thép xây dựng được các nhà sản xuất điều chỉnh bám sát theo diễn biến giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới. Tuy nhiên biên độ biến động giá của các nguyên liệu không đồng đều, gây khó khăn cho công tác dự báo và nhận định thị trường.

Đơn cử như nguyên liệu quặng sắt 62% Fe, tỷ lệ chênh lệch giữa giá Max và giá Min của mặt hàng này trong quý I/2023 là 13,8%; nhưng quý I/2024, tỷ lệ chênh lệch này lên tới 43,7%. Theo S&P Global, giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc lên cao nhất 143,95 USD/tấn CFR vào đầu năm 2024, sau đó giảm dần và đặc biệt giảm mạnh trong tháng 3, thời điểm giữa tháng 3 ghi nhận mức giá Min của quý I là 100,2 USD/tấn CFR; đến ngày 4/4 giá quặng sắt tiếp tục xuống thấp nhất trong vòng 11 tháng gần đây khi ở mức 98,3 USD/tấn CFR Bắc Trung Quốc.

3 Nguồn: S&P Global

Tỷ lệ biến động của giá thép phế ít hơn quặng sắt. Tham khảo giá phế xuất khẩu của Nhật Bản - là thị trường hàng đầu cung cấp thép phế cho Việt Nam, cho thấy tỷ lệ chênh lệch giữa giá Max và giá Min trong quý I/2024 là 7,2%, trong khi quý I/2023 tỷ lệ chênh là 11,2%. Theo S&P Global, giá thép phế loại H2 có mức giá Min trong quý I/2024 được xác định là 50.200 Yên/tấn FOB, mức giá này được duy trì trong suốt nửa cuối tháng 3. Đến ngày 4/4 giá tăng lên ở mức 50.800 Yên/tấn FOB, tăng 600 Yến/tấn so với một tuần trước (tăng khoảng 100.000 đồng/tấn).

4 Nguồn: S&P Global

Tiêu thụ thép quý I/2024 của nhiều nhà sản xuất thấp hơn so với cùng kỳ khi thị trường đầu ra khó khăn

Ngoài diễn biến giá khó lường, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước và thế giới trong quý I/2024 phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, phần lớn các nhà sản xuất thép trong nước đều có kết quả tiêu thụ quý I thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ tăng 4,93%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá so sánh chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%). 

Điều này phản ánh khó khăn của các hộ gia đình khi việc làm và thu nhập vẫn bị ảnh hưởng do sự phục hồi chậm và yếu của nền kinh tế; tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính còn cao, phải thắt chặt chi tiêu. Yếu tố này ảnh hưởng lớn tới nhu cầu xây dựng của thị trường dân dụng.

Đầu ra chính của ngành thép là lĩnh vực xây dựng, trong đó hiện nay từ kênh xây dựng dự án công trình lớn cho tới kênh xây dựng dân dụng vẫn gặp khó khăn. Khả năng tài chính hạn hẹp và thị trường hạn chế là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng rút khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm 2024 ở mức cao, gấp 1,1 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/ 2024, cả nước có 3.997 doanh nghiệp xây dựng đăng ký thành lập mới; 2.918 doanh nghiệp xây dựng quay trở lại hoạt động; bình quân một tháng có khoảng 2.300 doanh nghiệp xây dựng ra nhập thị trường. 

Tuy vậy, trong quý này có 7.064 doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 369 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể; bình quân một tháng có gần 2.478 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Mặc dù lĩnh vực xây dựng đang gặp nhiều khó khăn và thị trường thép xây dựng vẫn đang nằm trong diễn biến giảm giá; nhưng tâm lý thị trường đang dần được cải thiện khi đà giảm của giá thép xây dựng đã bắt đầu chậm lại trong hai lần điều chỉnh gần đây. Thị trường kỳ vọng đây sẽ là một trong những dấu hiệu cho sự cải thiện nhu cầu cũng như về giá trong thời gian tới.

Thị trường bất động sản trong nước được các chuyên gia nhận định sẽ có những chuyển mình tích cực hơn trong thời gian tới.

Chính phủ đã và đang đưa ra hàng loạt quyết sách tạo tiền đề thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản. Ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị hỏa tốc gửi các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tốc độ xây dựng các nghị định hướng dẫn để có cơ sở trình Quốc hội cho phép chính thức áp dụng Luật Đất đai 2024 vào ngày 1/7/2024 thay vì đầu năm 2025 như kế hoạch trước đó.

Trước thông tin Luật Đất đai 2024 dự kiến sẽ có hiệu lực trước nửa năm, đa số những người tham gia thị trường cho rằng đưa vào thực hiện sớm Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 tới sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trở lại. Từ đó góp phần rất lớn trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nói chung của cả nước.

Trần Hương