Ấn Độ: Ngành quặng sắt bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, với nhóm "Big 5" dần chiếm lĩnh thị trường
Ngành quặng sắt Ấn Độ đang hợp nhất nhanh chóng khi nhóm "Big 5" mở rộng thị phần. Xuất khẩu giảm do nhu cầu nội địa tăng, chi phí sản xuất cao và chính sách mới, trong khi các nhà khai thác nhỏ dần bị loại khỏi thị trường.
13/07/2025 17:35
Ấn Độ hiện là quốc gia sản xuất quặng sắt lớn thứ tư thế giới, chỉ sau Úc, Brazil và Trung Quốc, với sản lượng đạt 261 triệu tấn quặng khai thác hoặc 282 triệu tấn quặng nguyên khai (ROM) trong năm 2024, tương đương 11% sản lượng quặng toàn cầu. Trong hai thập kỷ qua, quốc gia này đã duy trì vị thế là nước xuất khẩu quặng sắt, đặc biệt là loại quặng có hàm lượng thấp và quặng vê viên (pellet). Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi nhanh chóng.
Nhu cầu nội địa tăng mạnh, xuất khẩu giảm
Trước đây, xuất khẩu trung bình hàng năm đạt 72 triệu tấn trong giai đoạn 2005–2014, nhưng đã giảm còn 28 triệu tấn trong giai đoạn 2015–2024. Năm 2024, Ấn Độ chỉ chiếm 2% tổng lượng quặng sắt xuất khẩu toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu nội địa tăng mạnh khi sản lượng thép thô tăng từ 86 triệu tấn (2015) lên 145 triệu tấn (2024).
Bối cảnh mới này đang khiến lượng nhập khẩu quặng sắt đã bắt đầu gia tăng và các nhà sản xuất thép Ấn Độ đang hướng đến đến việc phụ thuộc nhiều hơn vào quặng sắt nhập khẩu.
Bức tranh cung ứng quặng sắt: Sự trỗi dậy của "Big 5"
Năm 2024, 5 nhà khai thác lớn nhất ("Big 5") đã chiếm 54% tổng sản lượng quặng sắt của cả nước. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 66% vào năm 2030. Nhóm “Big 5” bao gồm ba doanh nghiệp nhà nước (NMDC, SAIL và OMC) và hai nhà sản xuất thép tư nhân (Tata Steel và JSW Steel).
Trong nhóm 5 doanh nghiệp tiếp theo trong “Top 10”, có 03 doanh nghiệp là AMNS, Vedanta và JSPL đều có lò cao riêng của mình và do đó tiêu thụ gần như toàn bộ sản lượng quặng sắt khai thác của họ. Tổng cộng, nhóm “Top 10” nhà sản xuất chiếm 70% sản lượng quặng sắt năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên 84% vào năm 2030.
4 bang nắm giữ hơn 90% trữ lượng khai thác
Hoạt động khai thác quặng sắt tại Ấn Độ tập trung chủ yếu tại bốn bang: Odisha, Chhattisgarh, Jharkhand và Karnataka, trong đó Odisha chiếm hơn một nửa tổng sản lượng cả nước. Trong khi đó, Goa – bang từng dẫn đầu về xuất khẩu trước năm 2012 – đã gần như dừng hoạt động khai thác do các quy định môi trường mới.
Cải cách chính sách khai thác: Gia tăng chi phí
Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2015 của nước này đã đưa ra cơ chế đấu giá minh bạch cho các quyền khai thác, áp dụng cho các công ty tư nhân, trong khi doanh nghiệp nhà nước vẫn được chỉ định mỏ trực tiếp. Điều này đã làm dấy lên làn sóng đấu thầu quyết liệt, đẩy mức "phí đấu giá" lên cao (trên 80%, thậm chí vượt 100% giá thị trường), khiến chi phí sản xuất tăng mạnh.
Trong số 130 mỏ được đấu giá từ năm 2015, chỉ 36 mỏ đi vào hoạt động tính đến 2024. Nguyên nhân chính là áp lực chi phí quá cao, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân không có chuỗi giá trị tích hợp. Trong khi đó, các công ty có các hoạt động hạ nguồn DRI hoặc luyện thép lại dễ dàng vượt qua khó khăn và bắt đầu sản xuất.
Các nhà sản xuất độc lập bị đẩy khỏi thị trường
Cấu trúc chi phí phức tạp khiến các nhà khai thác quặng tư nhân độc lập khó có khả năng sinh lời chỉ nhờ vào việc bán quặng sắt. Do đó, những người có khả năng thắng thầu trong các phiên đấu giá mới sẽ là các doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất hạ nguồn. Xu hướng này sẽ đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường quặng sắt Ấn Độ, dẫn đến sự hợp nhất trong nhóm 10 nhà sản xuất hàng đầu. Các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có cơ sở chế biến hạ nguồn được dự báo sẽ nâng thị phần lên 85%, trong khi các nhà khai thác độc lập sẽ dần bị loại khỏi thị trường.
Xuất khẩu quặng sắt giảm mạnh trong tương lai
Nguồn cung quặng sắt có giá thành thấp – thường là từ các mỏ khai thác trước 2015 và không phải trả phí đấu giá – đang giảm nhanh. Khi giá quặng sắt loại 62% Fe giảm xuống dưới 100 USD/tấn (CFR Trung Quốc), khoảng 18 triệu tấn/năm sẽ rời khỏi thị trường xuất khẩu do không đạt điểm hòa vốn. Mức giá 90 USD/tấn vẫn còn duy trì được khoảng 30 triệu tấn từ các nhà sản xuất có chi phí thấp nhất.
Các nhà xuất khẩu chi phí thấp còn hoạt động chủ yếu là Rungta và Vedanta, trong khi JSW Steel và AMNS chỉ xuất khẩu khi dư thừa sản lượng. Các doanh nghiệp nhà nước như NMDC, SAIL và các công ty như Tata Steel, Lloyds hoàn toàn không tham gia việc xuất khẩu quặng sắt.
Chính sách mới sẽ thắt chặt hơn nữa nguồn cung
Một chính sách mới đang được đề xuất yêu cầu tất cả các mỏ phải nâng cấp ít nhất 80% quặng chất lượng thấp (dưới 62% Fe) lên chất lượng cao để có thể tiêu thụ. Nếu được thông qua, điều này sẽ gây thêm áp lực lên nguồn cung cho xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm quặng thấp cấp vốn đang chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Ấn Độ.
Đánh giá chung
Ngành quặng sắt Ấn Độ đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ với sự nổi lên của các tập đoàn lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ dần bị loại khỏi thị trường do chi phí khai thác tăng cao. Xu hướng hợp nhất cùng với chính sách mới sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh và sản lượng xuất khẩu của quốc gia này trong những năm tới. Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến khử carbon và nhu cầu thép sạch tăng cao, ngành thép Ấn Độ đang đối mặt với thách thức lớn về khả năng thích ứng trước áp lực chi phí và yêu cầu môi trường.
T.L