Doanh nghiệp thép có giữ được “chất thép”?

Không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu, việc phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.

14/11/2018 09:22

Không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu, việc phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Công Thương trong tháng 9, sản lượng thép thô ước đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng 35,4% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, thép cán ước đạt 512.800 tấn, tăng 9,8% so với cùng kì. Thép thanh, thép góc ước đạt 544.800 tấn, tăng 10,2% so với cùng kì.

9 tháng đầu, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh và thép góc tăng lần lượt là 36,6%, 6,3% và 8,1% so với cùng kì năm ngoái.

Bộ Công Thương cho biết, ngành thép năm 2018 được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng với mức tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%.

Tuy nhiên, ngành này tiếp tục gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt do thép nhập khẩu thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam. Đặc biệt, việc phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), từ đầu tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã phải đối mặt với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép nhập khẩu chống ăn mòn từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép nhập khẩu chống ăn mòn từ Đài Loan.

Đồng thời, DOC cũng khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép cán nguội nhập khẩu từ Hàn Quốc...

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại nổi lên rầm rộ, ngành thép có thể bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng xuất khẩu của thép Việt Nam. Hiện Trung Quốc đang tái cấu trúc ngành công nghiệp thép, tức là cắt giảm sản lượng sản xuất thép, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu và không bảo đảm môi trường. Vì vậy, doanh nghiệp thép Trung Quốc đang có chiều hướng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông - Nam Á như Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Mặt khác, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, việc gia tăng mở rộng công suất của các doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim trong giai đoạn 2016-2017 và sự tham gia thị trường tôn mạ của Tập đoàn Hòa Phát, khoảng 400.000 tấn vào đầu năm 2018 đã đẩy cạnh tranh trong nước của thị trường tôn mạ lên mức gay gắt.

VCSC cho rằng, mặc dù nhu cầu cho sản phẩm tôn mạ trong nước và quốc tế vẫn duy trì ổn định, nhưng môi trường xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức. Thị trường trong nước cạnh tranh gay gắt sẽ gây thêm nhiều áp lực lên cả sản lượng bán và giá bán của tất cả các nhà sản xuất.