Trung Quốc: Nhu cầu thép ngành công nghiệp chế tạo tăng mạnh trong tháng 6, dự kiến giữ ổn định trong nửa cuối năm

Xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, tiếp tục hỗ trợ nhu cầu thép trong ngành công nghiệp chế tạo. Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu thụ nội địa có thể chững lại do mức trợ cấp từ Chính phủ dự kiến giảm trong nửa cuối năm.

20/07/2025 17:58

Hoạt động sản xuất ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc trong tháng 6 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, được thúc đẩy bởi sản lượng xuất khẩu ổn định và các khoản trợ cấp từ chính phủ nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thị trường tại Trung Quốc, nhu cầu thép từ ngành này dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2025, song vẫn được hỗ trợ bởi xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo vẫn duy trì ở mức tương đối cao.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế tạo liên quan đến tiêu thụ thép được Platts đánh giá đạt mức 133 điểm trong tháng 6, tăng 12 điểm so với tháng 5 và tăng 10 điểm so với cùng kỳ năm 2024. Chỉ số này được tính dựa trên dữ liệu sản xuất 18 mặt hàng sử dụng nhiều thép từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chia thành 7 nhóm ngành và tính trọng số theo tỷ lệ tiêu thụ thép của từng ngành. Mức trung bình năm 2018 được lấy làm cơ sở 100 điểm.

Trong tháng 6, các ngành cơ khí, ô tô, đồ gia dụng, đóng tàu và phát điện đều ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng so với cùng kỳ năm trước, trong khi ngành container và thiệt bị đường sắt ghi nhận mức giảm.

Xuất khẩu giữ vai trò trụ cột

Xuất khẩu mạnh tiếp tục là động lực chính giúp ngành sản xuất chế tạo duy trì đà tăng trong tháng 6. Xuất khẩu các sản phẩm cơ khí và điện tử – một trong những nhóm hàng tiêu thụ thép nhiều nhất – tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái theo giá trị USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng này cũng tăng 8,2%, tăng tốc so với mức tăng 7,5% cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong tháng 6 cũng duy trì đà tăng trưởng mạnh, tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 619.000 chiếc.

“Do lượng đơn hàng nước ngoài dồi dào, các công ty đóng tàu Trung Quốc hiện đã nhận đơn hàng đến năm 2028. Do đó, nhu cầu thép cho ngành đóng tàu vẫn duy trì ở mức cao và dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2027,” một nguồn tin từ nhà máy cho biết.

Một chuyên gia thị trường khác tại Trung Quốc nhận định: “Tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa chế tạo của Trung Quốc có thể chậm lại trong nửa cuối năm, do nhiều đơn hàng đã được đẩy sớm trong nửa đầu năm nhằm tránh rủi ro từ các biện pháp thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, về dài hạn, xuất khẩu vẫn có thể duy trì mạnh nhờ lợi thế chi phí do hệ thống sản xuất hoàn chỉnh của Trung Quốc.”

Quan ngại về tiêu dùng nội địa

Một yếu tố khác góp phần thúc đẩy ngành sản xuất chế tạo Trung Quốc trong năm nay là các chính sách trợ cấp của chính phủ đối với chương trình đổi mới tiêu dùng trong nước, giúp tăng doanh số các mặt hàng sản xuất tiêu thụ nhiều thép, như ô tô và thiết bị gia dụng.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết tỷ lệ trợ cấp trong nửa cuối năm có thể giảm so với nửa đầu. Theo dữ liệu từ NBS, đến tháng 4, Trung Quốc đã phân bổ 162 tỷ Nhân dân tệ (22,59 tỷ USD) từ nguồn trái phiếu đặc biệt kỳ hạn siêu dài cho chương trình đổi mới tiêu dùng, trong khi 138 tỷ Nhân dân tệ còn lại sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm.

Một số chuyên gia thị trường thép nhận định rằng các khoản trợ cấp không tạo ra nhu cầu mới mà chủ yếu kéo nhu cầu từ tương lai về hiện tại, điều này có thể khiến tăng trưởng tiêu dùng nội địa chậm lại trong thời gian tới.

“Ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc khó có thể tạo ra nhiều nhu cầu thép tăng thêm trong nửa cuối năm, nhưng cũng không đến mức suy giảm mạnh, nhờ xuất khẩu vẫn duy trì và các biện pháp kích thích sẽ được triển khai thêm để ổn định tiêu dùng trong nước,” một nguồn tin từ nhà máy cho biết.

Thị trường thép cuộn cán nóng (HRC)

Nhờ kết quả tích cực của ngành sản xuất chế tạo trong nửa đầu năm 2025, biên lợi nhuận từ tiêu thụ thép cuộn cán nóng – loại thép phẳng chủ yếu dành cho sản xuất – vẫn duy trì ổn định quanh mức 100-150 Nhân dân tệ/tấn (13,9-20,9 USD/tấn), bất chấp sản lượng tăng cao.

Theo NBS, tổng sản lượng thép cuộn cán nóng dày vừa trong 6 tháng đầu năm tăng 4,3% so với cùng kỳ, đạt 114,01 triệu tấn.

Tuy vậy, một số nguồn tin cho rằng nhu cầu thép từ sản xuất có thể suy yếu trong nửa cuối năm, kéo theo biên lợi nhuận HRC khó tăng.

Dẫu vậy, nếu các nhà máy thép tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch cắt giảm sản xuất, ngành thép Trung Quốc vẫn có thể duy trì lợi nhuận trong phần còn lại của năm. Thông tin thị trường cho biết Trung Quốc có kế hoạch giảm sản lượng thép thô năm 2025 khoảng 50 triệu tấn so với năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của nước này đã giảm 3%, tương đương 15,92 triệu tấn, xuống còn 514,83 triệu tấn.

T.L