Tôn Phương Nam: Vững vàng trong gian khó

Trước sức ép cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm thép trong và ngoài nước, Tôn Phương Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục khẳng định thương hiệu, đặc biệt là việc nâng cao ý thức phối hợp và liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng hệ thống. Đó là khẳng định của ông Hồ Quang Thiệp - Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam (SSSC).

29/01/2016 15:52

Trước sức ép cạnh tranh khốc liệt giữa các sản phẩm thép trong và ngoài nước, Tôn Phương Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục khẳng định thương hiệu, đặc biệt là việc nâng cao ý thức phối hợp và liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng hệ thống. Đó là khẳng định của ông Hồ Quang Thiệp - Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam (SSSC).

Những năm qua Tôn Phương Nam luôn đứng trong top đầu về sản xuất, kinh doanh tôn mạ kẽm và tôn mạ màu tại thị trường Việt Nam; hàng năm đóng góp trên 500 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước; 13 năm liền được người tiêu dùng cả nước tín nhiệm và bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và là 1 trong 10 thương hiệu tiêu biểu của ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam. Có được những kết quả ấn tượng trên phải kể tới sự điều hành linh hoạt, nhạy bén của người đứng đầu công ty; sự đoàn kết, đồng lòng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại theo Teamword mà các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản hay áp dụng.

Tuy nhiên dù có "khỏe" đến mấy, nhưng trước những biến động lớn của thị trường tôn, thép, giá bán luôn có xu hướng giảm, sức ép cạnh tranh trong nước và hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc gia tăng làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tôn Phương Nam.

Bên cạnh đó, theo dự báo của các chuyên gia ngành thép, bước sang năm 2016 nguy cơ hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ còn diễn biến phức tạp, tăng mạnh hơn năm 2015, báo động xấu khó lường bởi các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương được ký kết đi vào thực hiện sâu rộng, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cùng với đó do cận Tết, các công trình xây dựng cũng chững lại, kéo theo sản lượng tôn, thép tiêu thụ chậm. Trong tháng 1/ 2016 sản lượng tôn Phương Nam tiêu thụ chỉ đạt 16.000 tấn, giảm trên 10% so với tháng 12/2015.

Chia sẻ về khó khăn trên, ông Thiệp khẳng định, với 20 năm xây dựng và trưởng thành, sản phẩm tôn Phương Nam được khẳng định qua các công trình, các khách hàng trong và ngoài nước đón nhận tích cực. Nhìn nhận lại, khi hội nhập sâu rộng sức ép cạnh tranh sẽ tăng gấp bội lần, nhưng không vì đó mà chúng ta chùn bước, phải tìm cách tốt nhất để đối phó với sức ép cạnh tranh. Trước đó, Tôn Phương Nam đã chuẩn bị tốt cho việc sản xuất, kinh doanh, đón đầu thời cơ phát triển trong tương lai. Năm 2016, Tôn Phương Nam dự kiến tiếp tục đầu tư khoảng 770 tỷ đồng cho xây dựng dây chuyền công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất để tăng tính cạnh tranh, tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm.

Theo kế hoạch năm 2016, Tôn Phương Nam dự kiến đạt doanh thu khoảng 3.700 tỷ đồng, tăng 43%; lợi nhuận trước thuế đạt 155 tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách nhà nước 90 tỷ đồng.

“Để tiếp tục có được những thành công tự hào, năm 2016 cũng như những năm tiếp theo, Tôn Phương Nam tiếp tục dựa trên những thế mạnh của mình để làm tốt việc phối hợp, liên kết với các đơn vị trong cùng hệ thống nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, hướng tới phát triển bền vững”- ông Thiệp khẳng định.