Thép Nhà Bè với thương hiệu Thép Miền Nam /V/
Bài dự thi của tác giả Lê Việt tham gia Cuộc thi viết “Thép Miền Nam /V/: Phát huy truyền thống và uy tín thương hiệu” do Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP phát động.
Chi tiết về cuộc thi xem Tại đây
09/06/2022 10:00
Công ty cổ phần Thép Nhà Bè - VNSTEEL là một trong bốn đơn vị sản xuất và kinh doanh sản phẩm Thép V thương hiệu Thép Miền Nam /V/ của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP. Trong dòng lịch sử hình thành thương hiệu Thép Miền Nam, Công ty Thép Nhà bè là một trong số các đơn vị xây dựng nên thương hiệu này.
Thép Nhà Bè – ngược dòng thời gian
Là một trong những công ty sản xuất thép được hình thành từ trước năm 1975 tại Nhà Bè, VITHACO – Việt Thành Công ty lúc đó là một hãng cán sắt với sản phẩm là thép góc nhỏ được cán từ 01 dây chuyền cán cũ kỹ của Đài loan và 01 lò luyện hồ quang đang lắp đặt dở do các ông chủ người Hoa đầu tư. Sau ngày 30/4/1975 khi được tiếp quản trở thành xí nghiệp quốc doanh với tên gọi Xí nghiệp Việt Thành sau đổi thành Nhà máy Việt Thành cùng nhiều xí nghiệp/nhà máy sản xuất sắt thép của miền Nam như VIKIMCO, VICASA; Vinaton; Vidothep; Song Mỹ châu; Sadakim; Hợp kim sắt Nhà Bè… là các đơn vị trực thuộc Công ty Luyện kim đen rồi đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Luyện cán thép có trụ sở tại 56 Thủ khoa Huân - Quận 1- Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với mô hình Xí nghiệp liên hợp Luyện cán thép là các đơn vị phụ thuộc như: Nhà máy luyện cán thép Nhà Bè, Nhà máy luyện cán thép Thủ Đức, Nhà máy luyện cán thép Biên Hòa… Những bước phát triển tiếp theo của Thép Nhà Bè là đầu tư hoàn thiện dây chuyền luyện cán thép gồm lò luyện hồ quang – Đúc liên tục - Dàn cán Đài Loan – Dàn cán Pomini (Italia) để cho ra các sản phẩm thép góc nhỏ (từ 25x25 đến 75x75) và thép thanh vằn (từ D10 đến D42). Giai đoạn này Nhà máy Luyện cán Thép Nhà Bè - Công ty Thép Nhà Bè là đơn vị trực thuộc Công ty Thép Miền Nam (sau khi chuyển từ mô hình XNLH).
Ngày 01/01/2007 các đơn vị thành viên Thép Miền Nam trong đó có Thép Nhà Bè đã chuyển sang là các công ty trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam, cùng năm đó Thép Nhà Bè cũng tiến hành cổ phần hóa. Năm 2008, sau khi cổ phần hóa thành công, Thép Nhà Bè trở thành công ty con của Tổng công ty và mang tên Công ty cổ phần Thép Nhà Bè, nay là Công ty cổ phần Thép Nhà Bè - VNSTEEL. Tên gọi Công ty Thép Miền Nam được chuyển đổi thay cho Nhà máy Thép Phú Mỹ. Có thể thấy lịch sử phát triển Thép Nhà Bè với cái tên Việt Thành đã ăn sâu vào tâm trí người dân Sài Gòn và thị trường Nam bộ cùng với VIKIMCO, VICASA nay là Thép Thủ Đức - VNSTEEL, Thép VICASA - VNSTEEL và gần 40 năm cái tên Thép Miền Nam cùng đồng hành.
Sản phẩm thép mang nhãn hiệu chữ V
Một thời gian dài kể từ khi tiếp quản sau năm 1975 (thời kỳ nền kinh tế quốc doanh bao cấp) đến thời kỳ mở cửa với nền kinh tế thị trường, sản phẩm thép xây dựng của các đơn vị thuộc XNLH Luyện cán thép lúc bấy giờ gần như độc quyền cung cấp cho thị trường với nguồn cung luôn thiếu so với cầu (muốn mua thép phải được duyệt) vì vậy các sản phẩm trước đây ít chú trọng đến mẫu mã, hình thức bên ngoài. Khi nền kinh tế đất nước bắt đầu mở ra với chủ trương đường lối xóa bỏ quan liêu bao cấp áp dụng nền kinh tế nhiều thành phần, thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngành thép cũng thay đổi khi có thêm nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, đầu tư với máy móc hiện đại công suất lớn, năng suất cao, cho ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng với mẫu mã đẹp cùng với những nhận diện về thương hiệu và nhãn mác của sản phẩm trên thị trường (ví dụ như: nhãn hiệu bông mai của Vina Kyoei, quả táo của Pomina, TISCO của Gang thép Thái Nguyên v.v).
Trước tình hình như vậy đòi hỏi sản phẩm của Thép Miền Nam (do Công ty Thép Miền Nam quản lý công tác bán hàng, các nhà máy chịu trách nhiệm sản xuất) ngoài việc phải đảm bảo duy trì chất lượng, mẫu mã còn phải có sự phân biệt với các sản phẩm của các đơn vị cung cấp khác ngoài Thép Miền Nam. Lãnh đạo Công ty Thép Miền Nam đã tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu trên sản phẩm để chọn được nhãn hiệu phù hợp nổi trên cây thép thanh vằn phục vụ cho việc giới thiệu quảng bá và quản lý sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Chữ V với nhiều ý nghĩa đó là chữ cái đầu tiên của các từ Việt Nam, Victory, Việt Thành, VIKIMCO, VICASA, khi thể hiện trên sản phẩm thì dễ nhận biết, dễ gia công khắc trên trục, độ bền sắc nét cao, với những ưu điểm trên, chữ V được chọn là nhãn hiệu in nổi lên sản phẩm thép thanh vằn (khắc chìm trên trục cán) và dập chìm trên sản phẩm thép góc. Từ lúc này, sản phẩm thép thanh vằn và thép góc của Thép Miền Nam trên thị trường được sản xuất từ Thép Nhà Bè, Thép Thủ Đức, Thép Biên Hòa đã được mang nhãn hiệu chữ V. Sau khi Dự án Thép Phú Mỹ đi vào hoạt động và trở thành Công ty thép Miền Nam hôm nay, sản phẩm của nhà máy/công ty cũng đã mang nhãn hiệu chữ V. Cho đến nay chữ V trên sản phẩm thép thanh vằn và thép góc mặc dù đã qua nhiều thay đổi về cách thức thể hiện vị trí trên cây thép để phục vụ cho công tác quản lý sản xuất và bán hàng nhưng V đã đi sâu vào tâm thức của người tiêu dùng về sản phẩm của nó với ý nghĩa lịch sử rất đáng trân trọng. Có thể nói thêm bây giờ đến xe hơi Vinfast cũng chọn chữ V để thể hiện cho thương hiệu quốc tế này. Cũng đáng để tự hào về chữ V.
Thép Miền Nam /V/ - Thương hiệu bền vững
Thép Miền Nam xưa và nay luôn nổi tiếng trên thị trường khu vực phía Nam và miền Trung vì tính lịch sử của tên gọi này. Trước đây, tên gọi Thép Miền Nam đối với người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận được biết đến bởi vì là cách gọi thông thường của người dân khi nói đến đơn vị quản lí công tác bán hàng của sản phẩm thép xây dựng do các nhà máy trực thuộc sản xuất như Việt Thành, VIKIMCO, VICASA từ khi còn là cái tên Xí nghiệp Liên hợp Luyện Cán Thép sau đó chuyển thành Công ty Thép Miền Nam. Như đã nêu rõ ở trên về nhãn hiệu chữ V, từ khi sản phẩm Thép /V/ ra đời, để dễ dàng trong quản lý chất lượng cũng như bán hàng, Thép Miền Nam đã có các qui định phân biệt sản phẩm của 04 đơn vị sản xuất bằng cách nhận diện vị trí chữ V trên cây thép. Thời gian này trong thị trường dân dụng tại khu vực phía nam người ta phân biệt sản phẩm giữa các nhà sản xuất bằng nhãn hiệu trên cây thép như Thép /V/ từ 1 vạch cho đến 4 vạch (sau chữ V bỏ 1 đến 4 gân thì đến mác thép), Thép quả táo, Thép bông mai, Thép TISCO …Thị trường sau một thời gian thêm nhiều nhà sản xuất thép, trong nước lượng cung vượt cầu đã tạo nên sự cạnh tranh ngày một gay gắt.
Trong giai đoạn 2010 - 2017, bản thân nội bộ hệ thống SXKD Thép /V/ có những thời điểm xuất hiện sự không thống nhất giữa bộ phận tiêu thụ với các công ty sản xuất, việc này đã ảnh hưởng đến sự chủ động của từng công ty trong hệ thống Thép /V/ nói riêng và ảnh hưởng tới hoạt động tiêu thụ Thép /V/ trên thị trường nói chung, đồng thời Thép /V/ có nguy cơ mất khách hàng và giảm dần sự uy tín với các thương hiệu khác. Tổng công ty Thép Việt Nam đã triển khai kịp thời các biện pháp cả về tái cơ cấu cùng với những qui định để thống nhất quản lý công tác bán hàng nhằm tháo gỡ những bất cập trên, đồng thời chỉ đạo cho phép các công ty cổ phần được xây dựng thương hiệu riêng của mình. Với chủ trương đó các công ty cổ phần ban đầu với mục đích giới thiệu thương hiệu riêng cho khách hàng nên đã tự thiết kế nhãn hiệu riêng để thử nghiệm trên sản phẩm trong đó có nhãn hiệu đồng tiền của Thép Nhà Bè; sóng wifi của Thép Biên hòa. Tuy nhiên khách hàng đã phản hồi không bán được sản phẩm có nhãn hiệu mới đó. Các công ty Cổ phần lại tiếp tục mày mò tìm cách tạo hướng đi riêng của thương hiệu bằng việc tìm hiểu thị hiếu của thị trường và thay đổi nhãn hiệu mới vẫn có chữ V nhưng phân biệt bởi Vnb (Nhà Bè), Vkc (Thủ Đức), Vcs (Biên Hòa). Riêng Thép Nhà Bè còn sản phẩm thép góc được thử nghiệm với nhãn hiệu NB. Trải qua gần một năm tự xoay sở với nhãn hiệu mới nhằm tăng dần sản lượng thép thanh vằn để có thể đi thương hiệu riêng của từng đơn vị, kết quả là hàng sản xuất với nhãn hiệu riêng đã thất bại, khách hàng không chấp nhận và đề nghị chỉ sử dụng duy nhất Thép chữ /V/. Một bài học cho việc xây dựng thương hiệu đó là không thể ngắn hạn với kinh phí hạn hẹp, không thể dễ dàng từ bỏ cái gì mình đã có và có từ rất lâu đó là 3 chữ THÉP MIỀN NAM trong tâm thức của khách hàng dù cho họ đã có nhiều thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và thương hiệu Thép Miền Nam /V/ vẫn là một khẳng định với thị trường đây là một thương hiệu bền vững, bền vững để phát triển.
Lê Việt