Xuất khẩu thép vào thị trường EU: Đòi hỏi cao nhất là chất lượng

Hai năm trở lại đây, xuất khẩu thép sang thị trường EU bị hạn chế bởi rào cản phòng vệ thương mại, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt... Do đó, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành thép kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có bước đột phá.

25/06/2020 14:10

Hai năm trở lại đây, xuất khẩu thép sang thị trường EU bị hạn chế bởi rào cản phòng vệ thương mại, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt... Do đó, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành thép kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có bước đột phá.

Cạnh tranh gay gắt

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các năm gần đây, xuất khẩu thép vào EU chỉ chiếm trên 3% trong tổng lượng xuất khẩu của toàn ngành (năm 2019, xuất khẩu đạt 6,68 triệu tấn, tương đương 4,21 tỷ USD). Điều này cho thấy, thị trường EU chiếm rất ít trong tỷ trọng xuất khẩu sắt, thép của Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân thép Việt chiếm thị phần thấp tại thị trường EU, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA - cho rằng, thị trường EU tương đối bão hòa với giao dịch thương mại bởi hầu hết chỉ diễn ra trong nội khối EU. Vì thế, chỉ có những quốc gia có thế mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản xuất khẩu mạnh vào EU.

Thời gian gần đây, khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các nước trên thế giới, ở EU không ngoại lệ. Các nước EU đã áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại rất chặt chẽ với thép nhập khẩu, tất cả các quốc gia nhập khẩu đều phải chịu những biện pháp phòng vệ này. Đây là thách thức lớn khi ngành thép Việt gia nhập thị trường EU. “EVFTA được hai bên thông qua với những điều khoản có lợi cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho ngành thép” - ông Đa nhận xét.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA

EVFTA dự kiến sẽ được thực thi vào ngày 1/8, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) thép Việt đa dạng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn vào EU bởi ngoài lộ trình giảm thuế, ngành thép của EU và Việt Nam có các mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung và không cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen - cho biết, thời gian qua, Hoa Sen xuất khẩu bình quân từ 10 - 15 nghìn tấn/tháng sang EU. Khi EVFTA có hiệu lực, Hoa Sen sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu vào thị trường này.

Trước đây, Công ty TNHH Thương mại Thép Toàn Thắng chưa xuất khẩu thép sang thị trường EU. Song, với những lợi thế mà EVFTA mang lại, Thép Toàn Thắng đã có những chiến lược “tấn công” thị trường này. Theo ông Đoàn Danh Tuấn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Thép Toàn Thắng, DN này có thể xuất các mặt hàng thép cắt, xẻ theo kích thước yêu cầu của đối tác tại EU.Chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận thị trường EU, ông Vũ Văn Thanh cho hay, khó khăn lớn nhất là chất lượng sản phẩm, do EU đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng. Vì thế, DN phải cải tiến công nghệ, kỹ thuật mới đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Bên cạnh đó, EU cũng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rất cao và DN phải rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ mới hợp tác kinh doanh. “Trước khi EVFTA có hiệu lực, chúng tôi đã xuất khẩu sang châu Âu. Chúng tôi tin rằng, EVFTA có hiệu lực càng khiến cơ hội mở rộng hơn nữa” - ông Thanh cho biết.