Xu hướng phát triển của ngành thép Việt Nam
22/06/2017 17:30
Theo dự báo của VSA, năm 2017 ngành thép Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng không cao bằng năm 2016. Dự báo toàn ngành năm 2017 tăng trưởng khoảng 12% so với 2016.
Trong đó:
- Thép xây dựng: 11%
- Thép cán nguội: 13%
- Thép ống hàn: 15%
- Tôn mạ phủ màu: 12%
Như vậy, ít nhất trong 2017 sản lượng sản xuất cũng như nhu cầu của ngành thép Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thép Việt Nam tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và tìm kiếm thị trường.
Trong giai đoạn 5 năm tới, với sự lạc quan về triển vọng phát triển của ngành thép Việt Nam, các dự án đang được triển khai sẽ đi vào vận hành, các kế hoạch nâng công suất của các nhà máy hiện có cũng đang được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, ngành thép vẫn tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nghiên cứu và đầu tư mới vào lĩnh vực này.
Giai đoạn 10 năm tới, theo VSA, tổng công suất của các dự án dự kiến sản xuất gang, sắt xốp, thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 sẽ có sự tăng trưởng đáng kể:
Công suất thiết kế (triệu/năm) | 2020 | 2025 | 2030 | |
Công nghệ | Công nghệ lò cao/sắt xốp | 21 | 46 | 55 |
Công nghệ lò điện | 11.2 | 11.2 | 11.2 | |
Chủng loại thép thô | Phôi vuông | 21.8 | 29.3 | 31.3 |
Phôi dẹt | 10.5 | 28 | 35 | |
Tổng công suất phôi | 32.3 | 57.3 | 66.3 |
Có thể thấy được khả năng phát triển trong thời gian dài hạn 20 năm tới sẽ tập trung cho các dự án đầu tư công nghệ lò cao/sắt xốp (năm 2020 chiếm tỷ lệ 65%, 2025 chiếm 80% và 2035 lên 83%), đồng thời sản lượng của các dự án về sản xuất phôi dẹt cũng sẽ tăng đầu tư hơn so với phôi vuông (tỷ lệ phôi dẹt 3 giai đoạn tương ứng 32%, 49%, 53%)
Trong khi đó, dự báo nhu cầu thép thô để sản xuất các sản phẩm thép (gồm thép thanh, cuộn, hình, cuộn cán nóng, cuộn cán nguội, thép ống) trong nước đến năm 2025, có xét đến năm 2035 cũng tăng qua các năm như sau:
Chỉ tiêu | 2020 | 2025 | 2030 |
Bình quân tiêu thụ thép/người (kg) | 285 | 380 | 455 |
Tổng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước (triệu tấn) | 27 | 37.2 | 46 |
Như vậy, công suất thép thô dự kiến đến 2020 tiếp tục vượt nhiều so với nhu cầu tiêu thụ thép trong nước, do đó sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất thép vẫn tiếp tục được duy trì. Vì vậy, để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, ngành thép Việt Nam có xu hướng:
- Đầu tư chuyên sâu tạo ra những liên hợp thép quy mô lớn có tính cạnh tranh cao.
- Tập trung công nghệ đi từ sản xuất thượng nguồn và phôi dẹt, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hoá sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu
- Đối với các nhà máy nhỏ lẻ hiện tại: Các đơn vị sản xuất nhỏ lẽ lạc hậu sẽ bị giải thể do thiếu tính cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tính đến bài toán sáp nhập để tăng tính cạnh tranh.
Với sự phát triển không ngừng của ngành thép Việt Nam trong những năm qua cũng như xu hướng trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thép cần cố gắng thể tận dụng các cơ hội cũng như hạn chế tối đa những thách thức để đạt được kế hoạch phát triển của mình.