Việt Nam lên tiếng về việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá thép

Các vấn đề thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

26/07/2019 09:40

Các vấn đề thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ngày 25/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Ấn Độ tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Việt Nam luôn thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới cũng như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ nói chung, trong đó quan hệ kinh tế - thương mại nói riêng đang phát triển tốt đẹp.

Các vấn đề thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng tham gia, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như của người tiêu dùng hai nước”.

Trước đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 3/7 vừa qua, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn không gỉ cán phẳng nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra là thép cuộn không gỉ cán phẳng gồm các sản phẩm thuộc phân nhóm HS 7219, 7220 theo đạo luật thuế quan Hải quan năm 1975 trừ các sản phẩm trong phạm vi loại trừ cụ thể trong thông báo.

Nguyên đơn của vụ việc cáo buộc, sản phẩm bị điều tra từ các nước nói trên đang bị bán phá giá vào thị trường Ấn Độ và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Thời kỳ điều tra phá giá từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019 (12 tháng). Thời kỳ xác định thiệt hại trong các năm 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018 và thời kỳ điều tra.

DGTR yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin, trả lời bản câu hỏi và gửi cơ quan điều tra trong vòng là 40 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong trường hợp không nhận được phản hồi/bản trả lời trong thời gian nêu trên hoặc doanh nghiệp không hợp tác, cơ quan điều tra có thể sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để đưa ra kết luận về vụ việc với kết quả bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu./.