Úc có thể mất 45 tỷ USD trong cuộc đua sản xuất thép xanh
Là nhà xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới, Úc có thể mất tới một nửa doanh thu từ lĩnh vực này nếu không nhanh chóng triển khai công nghệ sản xuất quặng sắt xanh, trong bối cảnh các quốc gia khác bắt đầu ứng dụng công nghệ sản xuất thép bằng năng lượng tái tạo, theo báo cáo từ tổ chức nghiên cứu CEF.
25/11/2024 17:54
Quặng sắt đem lại nguồn thu xuất khẩu lớn nhất của Úc. Tuy nhiên, cho đến nay tiến độ phát triển công nghệ sản xuất quặng sắt xanh tại quốc gia này đang diễn ra rất chậm.
Theo số liệu báo cáo từ tổ chức Climate Energy Finance (CEF) có trụ sở tại Sydney, Úc đối mặt nguy cơ thiệt hại khoảng 69 tỷ AUD (tương đương 45 tỷ USD) doanh thu mỗi năm từ quặng sắt, khi các nhà sản xuất thép trên thế giới bao gồm cả Trung Quốc đã triển khai việc giảm phát thải carbon và tái cơ cấu chuỗi cung ứng.
Ngược lại, nếu Úc kịp thời định vị mình là quốc gia dẫn đầu trong sản xuất quặng sắt xanh, doanh thu hiện tại từ lĩnh vực này có thể tăng gấp đôi, đạt 250 tỷ AUD mỗi năm.
Hiện tại, theo số liệu của Chính phủ Úc thì nước này chiếm 56% thị phần quặng sắt toàn cầu vận chuyển đường biển.
Để tránh kết quả có thể coi là "hậu quả kinh tế tàn khốc", Úc cần "một loạt các chính sách và ưu đãi đầu tư chiến lược quốc gia nhằm khởi động ngành công nghiệp xuất khẩu quặng sắt xanh".
"Bước vào cuộc đua toàn cầu về xuất khẩu quặng sắt xanh, Úc có nhiều lợi thế cạnh tranh như nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và giá rẻ mà chúng ta cần tận dụng triệt để," bà Marilyne Crestias từ Nhóm Nhà đầu tư Năng lượng sạch (CEIG) đã nhận định.
Hiện tại, các tập đoàn lớn như BHP Group, Rio Tinto và Fortescue đã bắt đầu các dự án sản xuất quặng sắt xanh, trong đó Fortescue dự kiến sản xuất quặng sắt xanh từ một nhà máy thí điểm vào năm tới.
CEF khuyến nghị Úc nên phát triển một công ty giao dịch hàng hóa sạch với Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, Quỹ Tương lai của Úc cần đầu tư 20 tỷ AUD để thúc đẩy quá trình chế biến thép xanh tại nước này.
Báo cáo cũng đề xuất các cơ quan thương mại của Úc cần làm việc về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon Châu Á (ACBAM) nhằm tạo mức giá tốt cho quặng sắt xanh của Úc.
T.L