Tỷ lệ lấp đầy hạn ngạch nhập khẩu thép vào EU chậm lại do tác động của các biện pháp phòng vệ mới
Tỷ lệ lấp đầy hạn ngạch nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC), cán nguội (CRC) và thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) vào Liên minh châu Âu (EU) đã chậm lại đáng kể kể từ khi các biện pháp phòng vệ thương mại mới được áp dụng từ ngày 1 tháng 4. Cùng với đó, giá thép HRC nội địa và nhập khẩu tại Bắc Âu tiếp tục nới rộng khoảng cách. Điều này phản ánh tác động rõ rệt từ các điều chỉnh mới trong cơ chế phòng vệ của Liên minh châu Âu.
09/05/2025 18:29
Ủy ban châu Âu đã giảm hạn ngạch theo từng quốc gia và chấm dứt việc chuyển hạn ngạch chưa sử dụng giữa các quý đối với các sản phẩm thuộc nhóm 4A. Trong quý I, hạn ngạch HRC dành cho các nhà cung cấp chủ chốt ở châu Á đã nhanh chóng được sử dụng hết chỉ trong vòng một tuần, cho thấy sự chững lại rõ rệt trong quý II, nhu cầu thị trường nhìn chung vẫn ảm đạm.
Một số nguồn tin cho rằng các biện pháp mới này sẽ có lợi cho thị trường nội địa, khi nhiều nhà thương mại kỳ vọng giá thép trong nước sẽ tăng do nguồn cung bị siết chặt. Kể từ khi các biện pháp mới có hiệu lực, giá HRC nội địa tại Bắc Âu đã được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ ngày 2/4/2024, khi đó được định giá ở mức 665 euro/tấn (giá xuất xưởng tại Ruhr).
Đầu tháng 5, HRC nội địa tại Bắc Âu được ghi nhận ở mức 655 EUR/tấn, trong khi HRC nhập khẩu giảm xuống còn 545 EUR/tấn, thấp hơn 5 EUR/tấn so với tháng trước. Sự không chắc chắn, rõ ràng về các biện pháp phòng vệ mới, cùng với nguồn cung nội địa dồi dào đã khiến giá nhập khẩu suy giảm.
Một nguồn tin từ trung tâm dịch vụ thép nhận định: “Nhiều người không rõ các biện pháp mới sẽ triển khai ra sao nên không dám đặt nhiều đơn hàng." Một thương nhân khác cho biết: “Các điều khoản phòng vệ mới từ ngày 01/4/2025 khiến hoạt động nhập khẩu giảm hẳn. Một số công ty thương mại thậm chí đã ngừng chào bán thép cho khách hàng EU.”
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng khi các biện pháp thương mại trở nên rõ ràng hơn, lượng nhập khẩu có thể sẽ gia tăng trở lại. Khoảng chênh lệch giá giữa thép nội địa và nhập khẩu đang nới rộng, khiến thép nhập khẩu dần trở nên hấp dẫn hơn, dù vẫn còn lo ngại về chất lượng và thời gian giao hàng.
Indonesia được xem là một lựa chọn thay thế khả thi cho nguồn thép HRC nhập khẩu sau khi thép từ quốc gia này được miễn trừ khỏi các biện pháp phòng vệ. Việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với HRC nhập khẩu từ Ai Cập, Việt Nam và Nhật Bản hôm 7/4 đã càng làm tăng sức hấp dẫn của thép có xuất xứ từ Indonesia.
Hạn ngạch HRC
Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, hạn ngạch HRC từ Hàn Quốc vào ngày 2 tháng 5 chỉ còn lại 2,49% trong tổng số 161.144 tấn được phân bổ. Trong khi đó, hạn ngạch từ Thổ Nhĩ Kỳ còn 44,41% (trên tổng số 397.957 tấn), từ Serbia còn 71,40% (trên tổng số 142.379 tấn). Hạn ngạch nhóm “các quốc gia khác” vẫn còn 69,87% trong tổng số 856.770 tấn. Hạn ngạch cho Anh và Ấn Độ đều trên 95%.
Giá HRC nhập khẩu tại Bắc Âu đầu tháng 5 là 540 EUR/tấn CIF Antwerp, giảm 5 EUR so với tháng trước. Tại Nam Âu, giá được ghi nhận ở mức 530 EUR/tấn, giảm 15 EUR/tấn sau khi các biện pháp mới được áp dụng.
Hạn ngạch CRC
Hạn ngạch đối với CRC nhìn chung vẫn chưa được sử dụng nhiều kể từ đầu quý II. Hạn ngạch CRC từ Hàn Quốc hiện còn 66,37% (trên tổng số 94.591 tấn), nhóm “các quốc gia khác” còn 75,55% (334.370 tấn). Hạn ngạch từ Ấn Độ, Serbia và Anh đều còn trên 85%.
Giá CRC nhập khẩu tại Bắc Âu đầu tháng 5 được ghi nhận ở mức 635 EUR/tấn CIF Antwerp, gần như không đổi so với tháng 4. Tại Nam Âu, giá tăng nhẹ 10 EUR lên 640 EUR/tấn.
EU cũng áp mức thuế 25% đối với bất kỳ lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch đối với thép HDG 4A từ Ấn Độ và HGD 4B từ Trung Quốc, sau khi hạn ngạch bị sử dụng hết vào ngày 4 tháng 4.
Hạn ngạch HDG
Một nguồn tin cho rằng việc hết hạn ngạch đối với HDG “khó gây ảnh hưởng lâu dài”, vì HDG 4A chủ yếu dùng trong công nghiệp, còn HDG 4B sử dụng trong ngành ô tô.
Nhóm “các quốc gia khác” đối với HDG 4A còn 22,65% (từ tổng hạn ngạch 473.050 tấn). Hạn ngạch từ Anh còn 39,10% (trên tổng 35.355 tấn), từ Hàn Quốc còn khoảng 75% (trên 37.523 tấn).
Với HDG 4B, nhóm “các quốc gia khác” chỉ còn lại 6,55% hạn ngạch (trên 104.799 tấn). Trong khi đó, Hàn Quốc, Ấn Độ và Anh vẫn còn từ 70%-84% hạn ngạch.
Giá HDG nội địa tại Bắc Âu được ghi nhận ngày 30/4 là 750 EUR/tấn, tăng 25 EUR so với đầu tháng. Tại Nam Âu, giá cũng tăng nhẹ lên 730 EUR/tấn.
T.L