Tổng hợp giá nguyên vật liệu sản xuất thép thế giới trong tuần 10 – 14/01/2022

Giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép trong khu vực tiếp tục có diễn biến khác nhau trong tuần 10 – 14/01. Giá quặng sắt và HRC mặc dù có nhiều biến động trong tuần, nhưng hầu hết đều quay lại mức giá của tuần 03-07/01. Trong khi đó, giá than mỡ ở cả hai thị trường trong và ngoài Trung Quốc đã có một đợt tăng mạnh do nhu cầu hồi phục. Giá chào bán thép phế khu vực Châu Á tăng mạnh sau sự kiện đấu giá xuất khẩu tại Kanto, nhưng hầu hết khách hàng chưa chấp nhận mức tăng này.

18/01/2022 16:01

Quặng sắt: Giá biến động mạnh

Giá quặng sắt đường biển có nhiều biến động trong tuần 10-14/01, nhưng kết thúc tuần ở mức tương tự như tuần 03-07/01.

Platts ghi nhận giá quặng sắt 62% Fe giảm 0,55 USD/mt trong tuần xuống mức 126,75 USD/dmt CFR Bắc Trung Quốc vào ngày 14/01.

Nhu cầu quặng cấp trung giao ngay tăng mạnh trong tuần, do chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã tác động lên biên lợi nhuận của thép và khiến khách hàng chuyển hướng sang các loại quặng giá thấp hơn.

Giá quặng sắt trong tuần 10-14/01 biến động mạnh do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố trái chiều, trong đó bao gồm sự lo ngại về nguồn cung từ Brazil do ảnh hưởng của mưa lớn, và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy trước kỳ nghỉ Tết giảm. Một yếu tố khác đã gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường là tin tức về việc các ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ hạn chế cho vay bất động sản.

                   

Than mỡ: Giá Châu Á và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh

Châu Á chứng kiến ​​giá than tăng ở cả thị trường trong và ngoài Trung Quốc.

Giá xuất khẩu FOB than mỡ tốt, chất bốc thấp (PLV) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng cao kỷ lục do nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm trong khi nhu cầu ổn định. Giá giao đến Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu phục hồi trong bối cảnh thị trường than cốc trong nước tăng.

Platts ghi nhận giá than PLV xuất khẩu Úc tăng 38 USD/tấn lên 409 USD/tấn FOB Úc trong tuần, và giá CFR Trung Quốc tăng 27,50 USD/tấn lên 403 USD/tấn vào ngày 14/01.

Trên thị trường FOB Úc đường biển, nguồn cung khan hiếm, cùng với nhu cầu dự trữ mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ giá than.

Tại Trung Quốc, nhu cầu dự trữ trước Tết Nguyên đán và việc hạn chế khai thác dưới mức tối ưu do đợt kiểm tra an toàn tại các khu mỏ, cùng với các vấn đề liên quan đến vận chuyển do các biện pháp kiểm dịch giữa các tỉnh, đã khiến giá than cốc trong nước tăng mạnh.

Trên thị trường than cốc, các nhà máy thép lớn ở Sơn Đông và Hà Bắc đã chấp nhận đợt tăng giá thứ ba, thêm 200 CHY/tấn. Đợt tăng thứ tư đang được đề xuất bởi các nhà sản xuất than cốc lớn vào ngày 12/01 và một số nhà máy thép có lượng than tồn kho rất thấp đã chấp nhận động thái này.

Thép phế: Giá Châu Á tăng mạnh

Giá chào bán thép tái chế hạng nặng (HRS) nhập khẩu Trung Quốc tăng trong tuần 10-14/01, do nhà cung cấp lớn tại Nhật Bản nhận thấy một thị trường vững chắc hơn sau sự kiện đấu thầu xuất khẩu thép phế tại Kanto.

Thị trường thép phế HRS của Nhật Bản đã có các dấu hiệu lạc quan hơn, khi giá xuất khẩu tăng lên mức 60.000 JPY/tấn FOB hoặc 565 USD/tấn CFR Trung Quốc vào ngày 14/01, tăng mạnh so với mức chào HRS101 là 530 USD/tấn CFR Trung Quốc 1 tuần trước.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách giữa giá chào bán của Nhật Bản và trả giá của khách hàng trên thị trường thép tái chế nội địa Trung Quốc trong tuần 10-14/01, khi các nhà máy chưa thể chấp nhận sự tăng giá mạnh mẽ này và chỉ chấp nhận trả mức giá tối đa là 540 USD/tấn CFR.

Cũng trong tuần 10-14/01, giá xuất khẩu thép phế H2 của Nhật Bản tăng, với giá chào đến Việt Nam tăng lên mức 497-507 USD/ tấn CFR, từ mức 475-480 USD/tấn của một tuần trước đó. Giá chào phế H1: H2 50:50 của Nhật Bản cho Đài Loan cũng tăng lên mức 500 USD/tấn CFR, từ mức 475-485 USD/tấn. Tuy nhiên, cũng như thị trường nội địa Trung Quốc, khách hàng trong khu vực này chưa chấp nhận các mức giá chào cao hơn này, vì giá phôi nhập khẩu đường biển vẫn thấp so với phôi sản xuất từ thép phế với mức giá này.

Thép cuộn cán nóng: Giá Châu Á biến động, giá kỳ hạn Trung Quốc tăng

Giá thép cuộn cán nóng châu Á biến động trái chiều trong tuần 10-14/01, trong khi giá thép kỳ hạn của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong hai tháng, mặc dù thị trường giao ngay ảm đạm.

Platts ghi nhận giá xuất khẩu HRC SS400 dày 3 mm ở mức 754 USD/tấn FOB Trung Quốc vào ngày 14/01, không đổi so với tuần trước đó. Giá CFR Đông Nam Á của HRC cùng loại được ghi nhận ở mức 736 USD/tấn, giảm 12 USD/tấn.

Cũng trong ngày 14/01, giá xuất khẩu HRC SAE1006 được ghi nhận ở mức 764 USD/tấn FOB Trung Quốc, không đổi so với một tuần trước đó. Giá CFR Đông Nam Á của HRC cùng loại được ghi nhận ở mức 746 USD/tấn, cũng không đổi so với một tuần trước.

Trong tuần 10-14/01, thị trường HRC giao ngay tại Trung Quốc không có nhiều giao dịch do nhu cầu chậm lại trước Tết Nguyên đán, trong khi giá tại thị trường kỳ hạn tăng do tâm lý thị trường được cải thiện trong bối cảnh việc hạn chế sản lượng có thể xảy ra trong tháng 02/22.

Hai nhà máy HRC tại Việt Nam đã giảm giá chào hàng mới để cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ. Giá chào HRC SAE1006 của Formosa Hà Tĩnh đã giảm khoảng 70 USD/tấn so với tháng trước xuống còn 750-755 USD/tấn CFR Hải Phòng và 755-760 USD/tấn CFR Thành phố Hồ Chí Minh cho lô hàng tháng 3. Chào giá từ hai nhà máy là cạnh tranh so với giá giao dịch của HRC SAE1006 nhập khẩu từ Ấn Độ, hiện vào khoảng 750 USD/tấn CFR Việt Nam.

Ban Kế hoạch Thị trường – VNSTEEL