Thị trường thép xây dựng nội địa điều chỉnh giá lần thứ 4 trong tháng 8

Bước vào tuần thứ 4 của tháng 8/2022, giá thép xây dựng nội địa tiếp tục được các nhà sản xuất điều chỉnh giảm giá lần thứ 4 trong tháng và cũng là lần giảm thứ 17 kể từ tháng 5/2022 cho tới nay.

22/08/2022 17:46

Ngày 22/8, thị trường thép xây dựng nội địa tiếp tục diễn biến “đến hẹn lại giảm” khi các nhà sản xuất đồng loạt thông báo giảm giá so với giá bán hiện tại, cụ thể giá thép cây giảm 300.000 đồng/tấn và giá thép cuộn giảm 200.000 đồng/tấn. Đồng thời phần lớn các nhà sản xuất thực hiện bảo lãnh giá cho hàng bán vào thị trường dân dụng từ ngày 15/8 đến hết ngày 21/8, tiếp tục bảo lãnh giá đối với thép cây dân dụng và cắt bảo lãnh thép cuộn.

22-8-1

22-8-2

Nếu tính từ tháng 5/2022 cho tới nay thì giá thép cuộn giảm sâu hơn giá thép cây. Sau 17 lần điều chỉnh giảm giá liên tiếp, tổng mức giảm giá của thép cuộn từ 4,15 – 4,55 triệu đồng/tấn, trong khi mức giảm giá của thép cây từ 3,65 – 4,1 triệu đồng/tấn. Với tần suất 1 tuần giảm giá 1 lần trong suốt thời gian vừa qua, giá bán thép xây dựng hiện nay chỉ còn cách mức giá đáy của năm 2021 từ 350.000 – 550.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và khoảng 1.000.000 đồng/tấn đối với thép cây.

22-8-3

Trong khi đó giá thép xây dựng thế giới có diễn biến tăng giảm đan xen và trái chiều nhau tùy theo khu vực thị trường. Nhu cầu của người mua chưa phục hồi và thời tiết bất lợi trên phạm vi toàn cầu khiến giá thép xây dựng liên tục biến động và khó có xu hướng ổn định. Như giá thép xây dựng nội địa tại Trung Quốc trong 2 tuần gần đây giảm được cho là do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến hoạt động xây dựng gặp nhiều hạn chế.

22-8-4 Nguồn: Platts

Thị trường phôi thép nội địa hiện nay có diễn biến giá trái chiều với giá thép xây dựng khi từ nửa cuối tuần trước cho đến nay, giá chào phôi đã tăng đáng kể. Theo thông tin từ nhà thương mại, giá chào phôi xuất xưởng ngày 22/8 hầu hết đã vượt ngưỡng 12,35 triệu đồng/tấn (giá chưa VAT), tăng từ 600.000 – 700.000 đồng/tấn so với đầu tuần trước. Giá chào phôi trung tần hiện nay phổ biến từ 12,35 – 12,5 triệu đồng/tấn, đây là giá xuất xưởng, chưa bao gồm phí vận chuyển và thuế VAT.

Mặc dù giá chào phôi tăng nhưng thị trường giao dịch rất thận trọng do giá thép xây dựng nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm ngày 22/8, đặc biệt là thông tin các nhà sản xuất tiếp tục bảo lãnh giá đối với thép cây dân dụng cho thấy thị trường thép xây dựng nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm giá, diễn biến này sẽ gây áp lực lên thị trường phôi thép nội địa.

22-8-5

Thị trường thép phế nội địa trong nửa cuối tuần trước đã có một số doanh nghiệp thép thông báo điều chỉnh tăng giá thu mua thép phế nội địa từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn. Tuy nhiên việc tăng giá thép phế nội địa chưa diễn ra đồng loạt mặc dù các doanh nghiệp thép hiện gặp khó khăn trong việc thu mua do thị trường khan hàng. Việc chưa tăng đồng loạt cho thấy thị trường thép phế nội địa vẫn đang giằng co về xu hướng điều chỉnh giá trong khi đó giá thép phế thế giới mặc dù có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung vẫn là tăng giá trong 2 tuần gần đây.

22-8-6 Nguồn: Platts

Từ nay đến hết tháng 8/2022 thị trường thép xây dựng nội địa được đánh giá tiếp tục khó khăn do nhu cầu thị trường thấp, đặc biệt việc giá giảm liên tục và tiếp tục bảo lãnh giá thép cây dân dụng cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhập hàng của khách hàng.

Nhu cầu tiêu thụ thép ảnh hưởng lớn bởi sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên trong thời gian gần đây liên tục ghi nhận các dự báo hạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ các tổ chức quốc tế cho thấy nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn. Trong báo cáo định kỳ tháng 8, OPEC nhận định nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, điều chỉnh giảm so với mức 3,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 5. Giải thích về việc hạ dự báo lần này, OPEC cho biết các nền kinh tế lớn chứng kiến tăng trưởng quý II/2022 yếu hơn cùng kỳ, và có dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy giảm hơn nữa. Nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy, dịch COVID-19 kéo dài, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao ở nhiều khu vực và việc một số ngân hàng trung ương dự báo tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU).

Trần Hương