Thị trường thép xây dựng khu vực Miền Nam tăng giá bán

Hầu hết các thương hiệu thông báo tăng giá bán thép xây dựng ở khu vực Miền Nam khi bước sang tuần thứ hai của tháng 3/2023. Nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng theo. Giao dịch trên thị trường phôi thép nội địa sôi động hơn, giá phôi thép phục hồi nhẹ sau nhiều ngày đi ngang. Thị trường thép phế nội địa tạm ổn định, chờ xu hướng giá mới. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần khoảng 5 triệu tấn sản phẩm thép cho hoạt động xây dựng tái thiết sau động đất. Xung đột Nga – Ukraine, những tác động mạnh có thể đã dần triệt tiêu, những tác động tồi tệ nhất có thể đã qua.

08/03/2023 14:37

Sang tuần thứ 2 của tháng 3/2023, giá bán thép cây ở khu vực Miền Nam tăng phổ biến 200.000 đồng/tấn so với giá liền kề trước đó. Bên cạnh đó cũng có thương hiệu điều chỉnh tăng giá đồng loạt cho cả thép cây và thép cuộn ở mức 150.000 đồng/tấn; hoặc tăng riêng thép cây dân dụng 50.000 đồng/tấn còn thép cây dự án tăng 200.000 đồng/tấn. 

Đây được coi là đợt tăng giá thép cây và thép cuộn xây dựng lần thứ 5 tại thị trường miền Nam tính từ đầu năm 2023 cho tới nay, tổng mức tăng giá sau 5 đợt giao động từ 1 – 1,3 triệu đồng/tấn.

Sau điều chỉnh, giá bán thép xây dựng hiện nay tại thị trường Miền Nam tăng từ 5 - 6% so với tháng cuối năm 2022. Trong khi đó, theo thống kê giá của S&P Global, giá thép xây dựng tại hầu hết các khu vực trên thế giới tăng bình quân khoảng 11% so với tháng 12/2022, giá thép cây nội địa Trung Quốc tăng 9,6%. Có thể thấy các bước tăng giá thời gian qua tại thị trường thép xây dựng nội địa của Việt Nam là tương đối khiêm tốn và thận trọng so với thế giới. 

Với diễn biến tăng giá tại thị trường phía Nam, nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng giá thép cây. Trong 2 tháng đầu năm 2023, thép cuộn tại thị trường phía Bắc có tổng mức tăng giá phổ biến là 1,2 triệu đồng/tấn, thép cây là 1 triệu đồng/tấn. Từ đầu tháng 3/2023 cho tới nay thị trường thép xây dựng phía Bắc vẫn chưa có đợt điều chỉnh giá chính thức nào.

8-3-1

Thị trường phôi thép nội địa đã bớt trầm lắng, nhu cầu cải thiện hơn

Sau nhiều ngày giá phôi thép nội địa có diễn biến giảm liên tục rồi đi ngang, thị trường trầm lắng do nhu cầu thấp; giá phôi thép hiện đã phục hồi nhẹ và nhu cầu mua phôi của các nhà máy cũng cải thiện hơn. Ngay trong ngày đầu tuần thứ hai của tháng 3, thị trường ghi nhận mức giá chào phôi tăng giao động từ 50.000 – 100.000 đồng/tấn so với giá liền kề trước đó. Sau tăng, giá chào phôi hiện tạm thời chững lại, đi ngang, tuy nhiên lượng giao dịch trên thị trường vẫn sôi động hơn so với những tuần trước đó.

Giá phôi trung tần xuất xưởng phía Bắc hiện nay chào giao động từ 14,15 – 14,3 triệu đồng/tấn, giá chưa bao gồm VAT, giá giao tại kho người bán; mức giá này cao hơn thời điểm cuối năm 2022 khoảng 1,2 triệu đồng/tấn.

8-3-2

Thị trường thép phế nội địa tạm ổn định, chờ xu hướng mới

Thị trường thép phế nội địa trong hơn 2 tuần gần đây tương đối ổn định, ít ghi nhận các điều chỉnh giá thu mua thép phế từ các nhà sản xuất. Tham khảo giá thép phế loại 1 ngày 8/3, phía Nam phổ biến từ 10,1 - 10,2 triệu đồng/tấn, phía Bắc từ 11 – 11,2 triệu đồng/tấn, đây là giá giao tại bên mua, chưa bao gồm VAT.

Trong khi đó, thị trường thép phế thế giới mặc dù có diễn biến tăng giảm đan xen trong 2 tuần gần đây nhưng xu hướng chung vẫn là tăng giá. Đặc biệt giá thép phế tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng nhẹ trong 2 ngày đầu tuần này sau khi giá đã đi ngang trong suốt tuần trước; có thông tin một số nhà thép tại Iskenderun (khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất) sẽ quay trở lại thị trường thép phế trong tuần này hoặc tuần sau, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá các nhà máy này vẫn chưa sẵn sàng cho hoạt động mua phế vào.

8-3-3 Nguồn: S&P Global

Tái thiết sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Sẽ cần khoảng 5 triệu tấn thép 

Ngày 7/3, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có buổi làm việc với các nhà sản xuất thép về cung cấp sản phẩm cho các dự án tái thiết ở các vùng bị thiệt hại bởi động đất. Kết quả của buổi họp vẫn chưa có thông tin chính thức. Tuy nhiên thông tin từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà sản xuất thép của nước này đã đạt được thỏa thuận sẽ không tăng giá thép cây, ngoại trừ các biến động liên quan tới tăng giá nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất thép. Ngoài ra, một cơ chế kiểm soát giá đã được thống nhất để ngăn chặn đầu cơ trên thị trường.

Theo tính toán, sẽ cần khoảng 5 triệu tấn thép, bao gồm 3 triệu tấn thép cây, 750.000 tấn thép cuộn và 1,25 triệu tấn thép tấm cho xây dựng 350.000 ngôi nhà ở vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý sản lượng này thị trường trong nước đủ năng lực sản xuất để đáp ứng. Đồng thời ông cũng cho biết hầu hết các nhà sản xuất thép dài đã ngừng nhận đơn đặt hàng thép cây từ các sàn giao dịch và thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến ngày 11/3 tuần này, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục họp với các nhà sản xuất thép để bàn về giá cũng như 5 triệu tấn thép cho hoạt động tái thiết. 

Xung đột Nga – Ukraine: Những tác động mạnh có thể đã dần triệt tiêu

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã tròn 1 năm và gây những tác động ban đầu rất mạnh lên thị trường hàng hóa và tiền tệ vào năm 2022. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy những tác động tồi tệ nhất có thể đã qua.

Đồng EURO đã lao dốc mạnh so với đồng USD ngay sau cuộc xung đột và tiếp tục gặp khó khăn trong phần lớn năm 2022, có lúc đã giảm xuống ngang giá với USD lần đầu tiên sau 20 năm vào ngày 2/9/2022. Tuy nhiên, đồng EURO đã hồi phục trở lại vào quý IV/2022, với mức tăng hơn 10% lên mức 1,06 USD.

Giá năng lượng hiện nay giảm xuống thấp hơn so với trước xung đột. Vài tuần sau khi cuộc xung đột nổ ra, giá dầu Brent đã tăng mạnh, đạt gần 128 USD/thùng vào ngày 8/3/2022. Tuy nhiên, giá dầu Brent và WTI đã giảm đều đặn kể từ tháng 7/2022 và hiện giao dịch thấp hơn so với mức trước trước xung đột.

Kỷ niệm 1 năm cuộc xung đột Nga – Ukraine, hợp đồng dầu Brent ngày 24/2/2023 ở mức giá 82,82 USD/thùng, giảm 15% so với ngày 24/2/2022. Còn lúc 6h ngày 8/3/2023, giá dầu Brent giao dịch ở mức 83,29 USD/thùng, dầu WTI giao dịch mức 77,28 USD/thùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế toàn cầu và các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể làm giảm giá năng lượng hơn nữa ngay cả khi xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài.

Trần Hương