Thép bán 'ế' còn lo bị Mỹ kiện

Ngành thép vẫn chưa thấy điểm sáng dù Chính phủ đang thúc đẩy nhiều dự án đầu tư công. Sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm tháng thứ tư liên tiếp.

14/08/2020 09:48

Ngành thép vẫn chưa thấy điểm sáng dù Chính phủ đang thúc đẩy nhiều dự án đầu tư công. Sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm tháng thứ tư liên tiếp.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết theo ghi nhận mới nhất tính đến cuối tháng 7-2020, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong nước 7 tháng đầu của năm 2020 tiếp tục tăng trưởng âm, lần lượt 6,9% và 9,6% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng 13,72 triệu và 12,36 triệu tấn.

Riêng phần xuất khẩu thép các loại tiếp tục giảm sâu, chỉ đạt 2,28 triệu tấn, giảm đến 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù kỳ vọng trong ngắn hạn thị trường nội địa sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ và việc sản xuất, bán hàng của các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn, nhưng thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh của ngành vẫn đang bị tác động rất lớn từ nhiều phía. Trong đó, lượng thép xây dựng bán ra trong 7 tháng năm 2020 chỉ khoảng 5,7 triệu tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ và giảm tháng thứ tư liên tiếp kể từ cuối tháng 2-2020 đến nay.

Tuy nhiên, dù lượng thép tiêu thụ không khả quan nhưng giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép biến động, có chiều hướng tăng từ cuối tháng 7 đến nay. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy thép để giữ thị phần, hoặc đang trong giai đoạn phát triển thêm thị phần mới cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng, đặc biệt ở khu vực phía Nam.

Hiện giá bán thép trong nước đang được các doanh nghiệp giao dịch bình quân ở mức 10,9 - 11 triệu đồng/tấn (tùy loại).

Với thị trường xuất khẩu, VSA tiếp tục phát cảnh báo về việc các doanh nghiệp cần cẩn trọng trước việc kiểm soát mặt hàng thép tiền chế xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi mặt hàng này đã được đưa vào diện cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Hiện Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 9-2019, khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm từ 1,2 tỉ USD năm 2018 xuống còn 711 triệu USD năm 2019.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 80%, từ 29 triệu USD năm 2018 lên 52,4 triệu USD năm 2019. Riêng quý 1-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 13,6 triệu USD so với 8,5 triệu USD cùng kỳ năm 2019.