Tác động đa chiều đến thị trường thép Việt Nam khi Mỹ áp thuế thêm 10% lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng biến động, quyết định áp thuế thêm 10% lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ không chỉ tác động đến ngành thép Trung Quốc mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Là một trong những thị trường thép quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đối mặt với cả thách thức và có nhiều cơ hội trước thay đổi này.

Bài phân tích dưới đây sẽ làm rõ những tác động của chính sách thuế mới của Mỹ đối với thị trường thép Việt Nam, từ áp lực cạnh tranh gia tăng, biến động giá cả, đến cơ hội mở rộng xuất khẩu. Đồng thời, bài viết cũng đề xuất những giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp thép trong nước tham khảo chủ động thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng cơ hội để phát triển bền vững.

05/02/2025 18:36

Việc Mỹ áp thuế thêm 10% lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có tác động đa chiều đến thị trường thép thế giới, trong đó có tác động nhiều và trực tiếp đến thị trường thép Việt Nam; Tuy nhiên, trong thách thức luôn có không ít cơ hội. Năm 2025, ngành thép Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển với nhiều cơ hội và thách thức. Dưới đây là một số nhận định chính về ngành thép Việt Nam trong giai đoạn này

1. Thách thức đối với thị trường thép Việt Nam

  • Gia tăng áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc

Khi việc xuất khẩu thép qua thị trường Mỹ gặp khó khăn, Trung Quốc nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Lượng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có thể gia tăng nếu chính phủ Việt Nam không kịp thời can thiệp bằng chính sách bảo hộ ngành thép trong nước, việc gây sức ép lên doanh nghiệp sản xuất thép trong nước là hiển nhiên.

  • Biến động giá thép nội địa

Các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể bị thu hẹp biên lợi nhuận do phải giảm giá để cạnh tranh để tiếp tục duy trì sản xuất, giữ thị trường.

  • Nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao hơn

Nếu lượng xuất khẩu thép từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, Mỹ có thể áp thêm các biện pháp phòng vệ thương mại lên thép nhập khẩu từ Việt Nam nếu phát hiện nguồn gốc thép Việt Nam xuất khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc. Do vậy các doanh nghiệp trong nước phải đặc biệt lưu ý yếu tố này.

  • Rào cản thương mại

Các biện pháp chống bán phá giá và thuế quan từ các nước nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thép của Việt Nam.

  • Áp lực về môi trường

Ngành thép là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính lớn. Việc tuân thủ các quy định về môi trường sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.

Picture2

2. Cơ hội cho ngành thép Việt Nam

  • Gia tăng xuất khẩu thép sang Mỹ

Một số mặt hàng thép của Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ nhờ lợi thế thuế suất thấp hơn Trung Quốc.

Các doanh nghiệp sản xuất thép có chứng nhận xuất xứ rõ ràng sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ.

  • Thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển

Việt Nam có thể phải tự thân vận động nhằm nâng cao năng lực sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với nguồn cung từ Trung Quốc.

Chính phủ cần sớm áp dụng biện pháp kiểm soát nhập khẩu thép Trung Quốc bằng cách áp thuế tự vệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thép trong nước tăng trưởng ổn định.

Việt Nam vẫn đang trong quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng, điều này thúc đẩy nhu cầu về thép xây dựng. Các dự án lớn như đường sắt cao tốc, cảng biển, khu đô thị mới sẽ là động lực chính.

Ngành thép Việt Nam dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định khoảng 5-7% mỗi năm, nhờ vào nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

  • Chính sách hỗ trợ của Chính phủ

Các chính sách khuyến khích đầu tư cải thiện công nghệ sản xuất xanh và bảo hộ sẽ giúp ngành thép phát triển bền vững.

3. Hướng đi cho doanh nghiệp thép Việt Nam

Tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ để tránh rủi ro bị Mỹ điều tra.

Đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác như EU, Nhật Bản.

Nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành để cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Việc theo dõi sát sao chính sách thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam kịp thời điều chỉnh chiến lược để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.

4. Hướng đi cho doanh nghiệp trong hệ thống VNSTEEL.

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm bằng cách giảm chi phí sản xuất, linh hoạt và tối ưu sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nguồn phế và phôi.

Áp dụng công nghệ cao: Các doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn vào công nghệ sản xuất thép xanh (green steel) để giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Các doanh nghiệp nên tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu thép thành phẩm và phôi thép mới để giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Hợp tác liên kết: Các doanh nghiệp trong hệ thống cần tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nữa để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho chuỗi giá trị bền vững và giảm thiểu rủi ro.

Nghiên cứu, xâm nhập một số thị trường và phân khúc trong nước mà còn bỏ ngỏ lâu nay. 

Bằng mọi cách duy trì kế hoạch sản xuất hợp lý để phát huy công suất thiết bị nhằm giảm giá thành, tránh co cụm tiết giảm kế hoạch sản xuất. 

Chọn lọc để duy trì hình thức Marketing phù hợp nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu sản phẩm, tăng cường chia sẻ quyền lợi và thông tin để kết nối tốt hơn với khách hàng.

Nghiên cứu đổi mới chính sách bán hàng cho phù hợp với tình hình mới.

Táo bạo tái cơ cấu một cách toàn diện và sâu rộng về lượng và chất.

Tóm lại, ngành thép Việt Nam năm 2025 có khá nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Việc nắm bắt cơ hội và tỉnh táo vượt qua thách thức sẽ quyết định sự thành công của ngành trong tương lai.

An thép

Xuân Ất Tỵ, 2/2025.