Nhận định tác động của động đất Thổ Nhĩ Kỳ đến chuỗi cung ứng thép cây toàn cầu

Khoảng một phần ba tổng công suất sản xuất thép của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 6/2, trong đó phần lớn là các nhà máy sản xuất thép dài. Các chuyên gia nhận định xuất khẩu thép thành phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm mạnh trong năm 2023, một tỷ lệ đáng kể khối lượng thép cây sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu để phục vụ cho kế hoạch đại tái thiết của Thổ Nhĩ Kỳ, và sẽ giảm bớt một phần áp lực cung vượt cầu hiện tại trong lĩnh vực thép dài của Châu Âu và Châu Á.

27/02/2023 14:52

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã tấn công thị trấn Pazarcik của tỉnh Kahramanmaras Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm ngày 6/2, sau đó là một trận động đất mạnh 7,6 độ richter có tâm ở vùng Elbistan của Kahramanmaras. Một số vùng khác cũng bị ảnh hưởng, bao gồm Adana, Adiyaman, Diyarbakir, Gaziantep, Hatay, Kilis, Malatya, Iskenderun, Osmaniye và Sanliurfa.

Khoảng một phần ba tổng công suất sản xuất thép của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất ngày 6/2, trong đó phần lớn là các nhà máy sản xuất thép dài. Hoạt động thị trường thép tại những khu vực này đã tạm dừng và một số nhà sản xuất tuyên bố sự kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng thương mại của họ. Trong suốt thời gian vừa qua, thiết bị từ các nhà sản xuất thép tại địa phương đã được sử dụng cho hoạt động cứu hộ sau động đất.

Cảng Iskenderun ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất, đây là cảng quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ đối với hoạt động xuất nhập khẩu thép, cũng như vận chuyển nguyên liệu thô, chủ yếu là thép phế liệu (Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nhập khẩu thép phế nhiều nhất thế giới, bình quân nhập trên 20 triệu tấn thép phế/năm). Cảng Iskenderun bị hư hại nghiêm trọng, tất cả các nguồn lực có thể tại cảng đã được chuyển hướng sang các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ. Lực lượng Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã trưng dụng một tàu hải quân thành bệnh viện dã chiến tạm thời ở cảng Iskenderun để hỗ trợ các nhân viên y tế trước áp lực y tế nặng nề mà các bệnh viện ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt, đặc biệt ở khu vực Hatay. Có thể mất vài tháng để hoạt động của cảng Iskenderun trở lại bình thường. Hiện tại, tất cả các hoạt động đều tập trung vào việc dọn dẹp các đống đổ nát và tái thiết.

Trước mắt, trong ngắn hạn, hoạt động sản xuất thép của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị giảm. Điều này sẽ tác động đến nguồn cung thép cả trong và ngoài quốc gia này do Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 10 nước sản xuất thép lớn nhất thế giới. Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 8 thế giới về sản xuất thép thô, năm 2022 quốc gia này sản xuất 35,134 triệu tấn thép thô. 

Trong 5 năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu trung bình khoảng 20 triệu tấn thép mỗi năm ra khắp thế giới. Như năm 2021, theo số liệu của WSA, Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu 22,1 triệu tấn thép, là nước xuất khẩu thép lớn thứ 7 trên thế giới. Năm 2022, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu thép Thổ Nhĩ Kỳ (CIB), xuất khẩu thép của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống 19,6 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thép của Thổ Nhĩ Kỳ tăng tuy nhiên nửa cuối năm đã sụt giảm mạnh. Cũng theo CIB, tổng khối lượng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm khoảng 50% trong quý 4/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân giảm do ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine, lạm phát, giá năng lượng tăng cao và suy giảm nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu từ Châu Âu giảm đáng kể trong khi EU chiếm khoảng 30% tổng khối lượng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm gần đây.

Thép cây là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn một phần ba tổng số thép cây xuất khẩu trong bốn năm qua của Thổ Nhĩ Kỳ được dành cho thị trường Trung Đông, vào khoảng 4 triệu tấn thép thành phẩm mỗi năm. Tuy nhiên tới đây, thép cây sẽ là một trong những vật liệu chính cần thiết trong hoạt động tái thiết cơ sở hạ tầng sau trận động đất của đất nước này. Cùng với đó, hoạt động sản xuất thép tại các khu vực bị động đất cũng cần thời gian để phục hồi nên sản lượng thép sẽ bị giảm. Như vậy, xuất khẩu thép thành phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm mạnh trong năm 2023, một tỷ lệ đáng kể khối lượng này sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu để phục vụ cho kế hoạch đại tái thiết của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với thị trường Trung Đông, vẫn chưa biết nguồn cung thép cây bị giảm từ các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ là bao nhiêu, các chuyên gia hiện ước đoán nhu cầu thay thế nguồn này có khả năng hơn 2 triệu tấn thép cây/năm. Trung Quốc và các nhà cung cấp châu Á khác sẽ cố gắng tăng lượng xuất khẩu của họ sang Trung Đông cũng như các thị trường xuất khẩu thép cây khác của Thổ Nhĩ Kỳ, và việc này có thể sẽ đẩy giá xuất khẩu thép cây toàn cầu tăng lên.

Trong ngắn hạn, nhu cầu thép ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng đột biến khi các hoạt động xây dựng tái thiết cơ sở hạ tầng được thực hiện. Bên cạnh đó, những người tham gia thị trường dự đoán việc giảm nguồn cung thép thành phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất sẽ giảm bớt một phần áp lực cung vượt cầu hiện tại trong lĩnh vực thép dài của Châu Âu và Châu Á.

Kế hoạch đại tái thiết của Thổ Nhĩ Kỳ

Ước tính có hơn 173.000 tòa nhà, với khoảng 534.000 căn hộ, đã đổ sập hoặc thiệt hại nghiêm trọng trong trận động đất ngày 6/2. Hiện nay, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là nhanh chóng xây dựng chỗ ở cho hàng triệu người sau các trận động đất, ước tính gây thiệt hại đến hàng chục tỉ USD.

5563187178137267654a-Tho-Nhi-K-8272-1210-1676641881 Một trong những hiện trường sau động đất tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn ảnh: Reuters

Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ước tính cần xây 500.000 căn nhà mới. UNDP ước tính thảm họa đã tạo ra khoảng 116 - 210 triệu tấn xà bần phế thải, lớn hơn rất nhiều so với 13 triệu tấn sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 1999.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo kế hoạch tái xây dựng nhà ở tại các tỉnh bị ảnh hưởng trong vòng 1 năm. Kế hoạch trước mắt của chính phủ là xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 căn nhà với kinh phí ít nhất 15 tỉ USD. Ngân hàng JPMorgan của Mỹ ước tính việc xây dựng lại nhà cửa và cơ sở hạ tầng tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiêu tốn 25 tỷ USD. Bloomberg Economics ước tính chi tiêu công liên quan động đất có thể chiếm 5,5% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 24.2, Thổ Nhĩ Kỳ công bố sắc lệnh của tổng thống trong đó gồm các quy định mới về việc tái xây dựng. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể xây nhà ở, nơi làm việc và có thể trao từ thiện cho Bộ Đô thị hóa. Những bất động sản này sẽ được Bộ trao lại cho những người có nhu cầu. Đất khô cằn và không dùng để trồng rừng có thể được sử dụng để xây dựng và thủ tục về thông báo xây dựng và phản đối sẽ được bỏ qua trong quá trình lên kế hoạch và phân lô. Phế liệu từ việc phá dỡ các tòa nhà sập có thể được tái chế để đầu tư vào hạ tầng, trong khi việc phá dỡ phải tuân thủ quy định về môi trường.

Trần Hương