Ngành thép trước sức ép cạnh tranh

Năm nay, ngành thép đang có tín hiệu hồi phục tốt và nhiều triển vọng, dự báo tăng trưởng khoảng 12%. Tuy nhiên, khi cánh cửa hội nhập càng rộng mở, đang đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) ngành thép không ít sức ép cạnh tranh.

12/05/2017 13:11

Năm nay, ngành thép đang có tín hiệu hồi phục tốt và nhiều triển vọng, dự báo tăng trưởng khoảng 12%. Tuy nhiên, khi cánh cửa hội nhập càng rộng mở, đang đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) ngành thép không ít sức ép cạnh tranh.

Khi thuế suất nhập khẩu hàng hóa bằng 0%, thép nước ngoài nhập khẩu càng có cơ hội tràn vào, cùng với đó thị trường xuất khẩu cũng gặp khó khăn bởi biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều quốc gia.

Khó cả đôi đường

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý I vừa qua, sản xuất thép trong nước tăng trưởng tốt, đạt hơn 4,6 triệu tấn, tăng 18,8% so cùng kỳ; tiêu thụ đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu thép cũng gia tăng đáng kể và áp lực trước những rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu khiến ngành thép đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 4 vừa qua, cả nước nhập khẩu 1,6 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá là 945 triệu USD, tăng 8,7% về sản lượng và 8,2% về giá trị kim ngạch so với tháng trước. Tính chung bốn tháng, lượng nhập khẩu sắt thép các loại ước đạt gần 5,8 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, giảm 5,9% về lượng nhưng giá trị lại tăng 45,4% so với cùng kỳ. Lượng nhập khẩu một số chủng loại mặt hàng sắt thép trong quý I vẫn tăng cao so với cùng kỳ, như thép cuộn cán nguội (gần 160 nghìn tấn, tăng 158%), thép hình (hơn 141 nghìn tấn, tăng 113%); tôn mạ mầu (hơn 84 nghìn tấn, tăng 40%),… Điểm nổi bật là sản lượng và kim ngạch nhập khẩu sắt thép từ thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Chỉ trong hai tháng đầu năm, tổng sản lượng sắt thép nhập khẩu cả nước đạt gần 2,74 triệu tấn, trị giá hơn 1,49 tỷ USD, riêng từ Trung Quốc chiếm hơn 1,53 triệu tấn, trị giá 786 triệu USD. Xét về giá trị, kim ngạch tăng gần 62% so cùng kỳ năm trước.

Cùng với áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm sắt thép nhập khẩu, các sản phẩm sắt thép trong nước cũng hết sức chật vật khi “lách” qua cánh cửa hẹp xuất khẩu, do các biện pháp phòng vệ thương mại đang giăng dày. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel) Nghiêm Xuân Đa cho biết, xuất khẩu thép ngày càng khó khăn do vấp phải các rào cản, phòng vệ thương mại từ các nước. Do vậy, VnSteel sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng việc tăng cường phân tích dự báo thị trường, tổ chức sản xuất, kinh doanh linh hoạt, phù hợp diễn biến của thị trường. VnSteel đề nghị Chính phủ có các chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn nhập khẩu tràn lan các mặt hàng mà ngành thép trong nước đã sản xuất được; ngăn chặn nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, chống gian lận thương mại, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.

Để bảo hộ sản phẩm thép sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng sắt thép nhập khẩu, như: thép không gỉ cán nguội, thép mạ, thép hình chữ H, phôi thép và thép dài,... Mới đây, ngày 30-3, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1105/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Các chuyên gia khẳng định, việc đưa ra quyết định áp dụng chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt, thép nhập khẩu của Bộ Công thương là biện pháp tự vệ để bảo vệ sản xuất trong nước, phản ứng có lợi cho thị trường, cho nền kinh tế và phù hợp chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, về lâu dài, hàng rào thuế quan không phải là giải pháp hữu hiệu.

Đầu tư thận trọng

Với xu hướng một số nước bị áp thuế chống bán phá giá đã và đang chuyển hẳn sang đầu tư sản xuất trong nước. Nhiều chuyên gia cảnh báo về những hệ lụy đối với các dự án thép, nhất là những dự án có tác động lớn đến môi trường. Sản xuất thép là lĩnh vực đặc thù, sử dụng nhiều loại nguyên liệu, nhiên liệu, nhất là các hóa chất độc hại có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường nếu không bảo đảm các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng nhận định, nước ta vẫn xác định mục tiêu công nghiệp hóa, tất yếu phải phát triển công nghiệp vật liệu nền tảng, trong đó có sản xuất thép. Hiện nay, mức tiêu thụ thép bình quân đầu người nước ta mới đạt 200kg/năm (ở ngưỡng thấp hơn mức trung bình thế giới), cho thấy Việt Nam vẫn cần phát triển sản xuất thép. Mặc dù nước ta đang “thừa thép”, nhưng thực tế chỉ thừa các chủng loại thép xây dựng, tôn mạ,… thông thường, vẫn phải nhập siêu thép với giá trị hàng tỷ USD để phục vụ sản xuất. Vì thế, chúng ta vẫn phải đầu tư sản xuất thép, nhưng vấn đề là tính toán, cân nhắc đầu tư ở giai đoạn nào, thời điểm nào, quy mô và công nghệ ra sao để kiểm soát môi trường và bảo đảm tính cạnh tranh khi sản phẩm ra thị trường.

Trong giai đoạn hiện nay, VSA khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu chứ không nên theo chiều rộng. Hiện nay nhiều doanh nghiệp thép trong nước đang có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép tại Việt Nam. Việc đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất là cần thiết, tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ nên đầu tư sản xuất những dòng sản phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được, như phôi thép hoặc sản phẩm thép tấm cán nóng, thép chế tạo,... để hình thành dây chuyền sản xuất khép kín. Còn với các sản phẩm tốp cuối như tôn mạ, thép xây dựng,... các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng.

VSA cũng nhiều lần có ý kiến góp ý vào Quy hoạch ngành thép, trong đó khẳng định, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành thép Việt Nam trong thời gian đầu để tăng năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ mới; hiện đại hóa công tác quản trị kinh doanh, thị trường,... Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước đã phát triển rất mạnh, hoàn toàn có đủ khả năng đầu tư ở mọi quy mô công nghệ và hoạt động có hiệu quả. Vì thế, hiện tại, không nên ưu tiêu thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI vào ngành thép. Nếu vẫn thu hút đầu tư FDI vào ngành thép thì không nên đầu tư 100% vốn nước ngoài mà phải liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước. Thép là đầu vào quan trọng của nhiều ngành công nghiệp, xây dựng, cho nên cần giữ được vai trò chủ đạo, tự chủ đối với ngành này. Không ngoại trừ khả năng việc một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất thép ở Việt Nam với mục đích “mượn thị trường” Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm, tránh thuế chống bán phá giá của Việt Nam, đồng thời tránh thuế chống bán phá giá khi xuất sang các thị trường khác.