Giá thép xây dựng tăng đồng loạt toàn quốc

Ngày đầu tuần thứ hai của tháng 2/2023, giá thép xây dựng tiếp tục đi lên; giá phôi thép quay đầu giảm, dần tạo khoảng cách chênh lệch hợp lý hơn với giá thép xây dựng; giá phế tăng giảm trái chiều tại phía Bắc và phía Nam. Nỗ lực hồi sinh thị trường bất động sản của Chính phủ Trung Quốc được kỳ vọng tác động tích cực lên thị trường thép năm 2023. 

06/02/2023 16:57

Ngày 6/2, giá thép xây dựng tăng đồng loạt trên phạm vi cả nước với mức tăng phổ biến từ 300.000 – 400.000 đồng/tấn so với giá liền kề trước đó. Đây là đợt tăng giá thép cây và cuộn lần thứ 4 kể từ đầu năm 2023 cho tới nay với tổng mức tăng giao động từ 850.000 – 1.100.000 đồng/tấn, tùy theo thương hiệu và chủng loại sản phẩm. 

6-2-2023-1 6-2-2023-2

Giá bình quân thép xây dựng nội địa hiện nay tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 8%. Do giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng giá của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép xây dựng vẫn thấp, khó khăn từ mua nguyên liệu đầu vào lẫn tiêu thụ thành phẩm đầu ra đang gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất thép.

6-2-2023-3

Giá thép phế nội địa diễn biến phức tạp, tăng giảm trái chiều giữa các khu vực

Giá thép phế nội địa trong tuần đầu tháng 2/2023 đã tăng lên một mặt bằng giá mới so với trước Tết Nguyên đán, mức giá ở khu vực phía Bắc trong tuần phổ biến từ 11,3 – 11,5 triệu đồng/tấn đối với thép phế loại 1, phía Nam từ 9,8 – 10 triệu đồng/tấn (giá chưa VAT, giá giao tại kho bên mua). Tuy nhiên khi bước sang tuần thứ hai của tháng 2, giá thép phế tại khu vực phía Bắc có dấu hiệu đi xuống khi giá tại một số nơi giảm 200.000 đồng/tấn, trong khi phía Nam giá tiếp tục tăng từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. 

Theo một số người tham gia thị trường đánh giá, nguyên nhân giá thép phế phía Bắc quay đầu giảm là do trong thời gian qua giá phế tại khu vực này đã có tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng giá bán thép thành phẩm, cũng như tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng giá thép phế ở khu vực Miền Nam và Miền Trung.

6-2-2023-6 Nhiều khả năng giá thép phế trong tuần thứ hai của tháng 2 này sẽ đồng loạt giảm tại khu vực phía Bắc và xoay quanh mức giá 11,1 triệu đồng/tấn. Mặc dù diễn biến giá thép phế nội được đánh giá sẽ diễn biến phức tạp hơn nhưng giá khó có thể giảm sâu do nguồn cung khan hiếm, thị trường thép phế thế giới vẫn đang sôi động, đặc biệt giá phế liệu xuất khẩu của Nhật Bản đang tăng.

6-2-2023-4 Nguồn: S&P Global

Phôi thép trong nước giảm giá, tạo khoảng cách chênh lệch phù hợp với giá thép xây dựng

Giá phôi thép nội địa sau Tết Nguyên đán tăng khoảng 700.000 đồng/tấn so với giá trước Tết. Tuy nhiên đến cuối tuần đầu của tháng 2/2023, giá phôi thép đã quay đầu giảm nhẹ, mức giảm phổ biến từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn. Ngày 6/2, giá chào phôi trung tần phổ biến từ 14,55 – 14,65 triệu đồng/tấn, đây là giá xuất xưởng, chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển về bên mua.

Nguyên nhân phôi thép quay đầu giảm giá cũng được nhận định tương tự như diễn biến giá thép phế nội địa. Giá phôi phế trong thời gian qua đã tăng nóng và việc điều chỉnh giảm giá được cho là hợp lý để tạo khoảng cách chênh lệch phù hợp với giá thép xây dựng.

6-2-2023-8

Nỗ lực hồi sinh thị trường bất động sản của Chính phủ Trung Quốc được kỳ vọng tác động tích cực lên thị trường thép năm 2023.

Theo Economist, chỉ trong 10 ngày đầu tiên của năm 2023, thị trường bất động sản Trung Quốc đã chứng kiến doanh số nhà ở có sẵn đã tăng hơn 20% so với một tháng trước đó. Một số công ty phát triển bất động sản hiện đã dừng chương trình bán hàng giảm giá. Đặc biệt, từ giữa tháng 1/2023, sau hơn 1 năm, đã có một doanh nghiệp bất động sản phát hành nợ bằng đồng USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong vài tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp để cởi trói cho lĩnh vực bất động sản, trong đó có việc nới lỏng quy định để các nhà phát triển bất động sản dễ dàng huy động vốn hơn, tung ra chương trình hỗ trợ tái cấp vốn với tổng giá trị lên tới 160 tỷ Nhân dân tệ (24 tỷ USD) cho công ty bất động sản chất lượng cao trong quý 1/2023. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng giải cứu những dự án nhà ở đang dang dở. Tại một số địa phương, chính quyền cũng đang bảo lãnh cho doanh nghiệp bất động sản để họ có thể huy động thêm vốn.

Các biện pháp giải cứu gần đây của Trung Quốc được cho rằng có thể mang lại làn gió hồi sinh cho thị trường bất động sản tại quốc gia này sau 2 năm gần như đóng băng, và đây cũng chính là động lực cho triển vọng phục hồi thị trường thép năm 2023 khi Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới (Theo Hiệp hội Thép Thế giới, năm 2023 Trung Quốc sản xuất hơn 1 tỷ tấn thép thô, chiếm 55% sản lượng toàn thế giới).  

Nỗ lực giúp kinh tế Mỹ hạ cánh mềm

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/2 thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đúng như dự báo của thị trường. Việc Mỹ chỉ tăng lãi suất ở mức tối thiểu cho thấy nền kinh tế Mỹ phần nào đã quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn.

Mục tiêu của Fed hiện nay là tạo ra “cú hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ, nghĩa là vừa kiềm chế được lạm phát trong khi không gây ra tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng hoặc tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Lạm phát tại Mỹ đã chậm lại đáng kể, lạm phát giảm xuống 5% trong tháng 12/2022 so với mức 5,5 % của tháng trước đó. Như vậy, một yếu tố quan trọng đang được thế giới chờ đợi là chỉ số lạm phát tại Mỹ trong tháng 1/2023 (dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng 2/2023).

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu, Fed cũng phải tính toán đến tác động và xu hướng của cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn biến căng thẳng, việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, thậm chí là bạo lực tại Trung Đông tác động đến thị trường dầu mỏ toàn cầu,...Đây cũng chính là những yếu tố tác động lên thị trường thép thế giới trong thời gian tới.

Trần Hương