Giá thép xây dựng nội địa tăng toàn quốc

Giá nguyên liệu nhiên liệu đầu vào và giá điện tăng đã buộc các nhà sản xuất thép xây dựng nội địa phải điều chỉnh tăng giá bán đồng thời cắt các chính sách chiết khấu và hỗ trợ. Những người tham gia thị trường đều kỳ vọng sự cải thiện về giá lẫn sức mua sẽ được duy trì từ nay cho tới hết năm và đây sẽ là bước đệm để toàn ngành thép bước vào một năm 2024 phục hồi thuận lợi.

17/11/2023 16:43

Đợt tăng giá thép đồng loạt toàn quốc đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2023

Trong tuần thứ ba của tháng 11 năm 2023, thị trường thép xây dựng nội địa đã ghi nhận đợt tăng giá đồng loạt toàn quốc đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2023. Trước đó một tuần, nhiều nhà sản xuất đã thông báo cắt hỗ trợ, cắt chiết khấu thép xây dựng. Ở đợt điều chỉnh giá lần này, hầu hết các nhà sản xuất chỉ tăng giá mặt hàng thép cuộn xây dựng với mức tăng 100.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà máy tăng cả giá thép thanh vằn và thép cuộn ở mức từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.

Bước tăng giá lần này được đánh giá là tương đối khiêm tốn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào đã tăng nhiều hơn. Tính từ đầu tháng 11 cho tới nay, thép phế nội địa ở một số nơi đã tăng giá từ 200.000 - 400.000 đồng/tấn, giá phôi nội địa tăng phổ biến từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Tại thị trường thế giới, theo S&P Global Commodity Insights, giá quặng sắt 62%Fe CFR Bắc Trung Quốc ngày 16 tháng 11 đã tăng 9,25 USD/tấn (khoảng 230.000 đồng/tấn) so với thời điểm cuối tháng 10 năm 2023, tương tự giá xuất khẩu thép phế của Mỹ tăng 19,25 USD/tấn (khoảng 480.000 đồng/tấn), giá xuất khẩu thép phế của Châu Âu tăng 23,75 USD/tấn (khoảng 590.000 đồng/tấn), giá phôi thép nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á tăng 13 USD/tấn (khoảng 325.000 đồng/tấn).

2 Nguồn: S&P Global Commodity Insights

Ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng, việc giá điện tăng thêm 4,5% kể từ ngày 9 tháng 11 cũng góp phần làm tăng giá thành thép. Bộ Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, đây là lần tăng giá điện thứ hai trong năm 2023.

Tham khảo giá trên thị trường thép nội địa ngày 17 tháng 11 như sau:

  • Thép phế: khu vực phía Bắc phổ biến từ 9,3 - 9,6 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 8,6 - 9,1 triệu đồng/tấn, đây là giá chưa VAT, giao tại bên mua.
  • Phôi thép: giá chào phổ biến từ 12,1 - 12,2 triệu đồng/tấn, đây là giá xuất xưởng chưa VAT, giao tại kho bên bán.
  • Thép xây dựng: giá thép cuộn phổ biến từ 13,45 - 14,2 triệu đồng/tấn, giá thép thanh vằn dân dụng phổ biến từ 13,6 - 14,15 triệu đồng/tấn, đây là giá bán tại nhà máy, giá thanh toán ngay, đã trừ chiết khấu, hỗ trợ và chưa VAT.

Mặc dù mức tăng giá thép xây dựng của đợt điều chỉnh này tương đối thấp, nhưng những người tham gia thị trường đều kỳ vọng sự cải thiện về giá lẫn sức mua sẽ được duy trì từ nay cho tới hết năm 2023 và đây sẽ là bước đệm để toàn ngành thép bước vào một năm 2024 phục hồi thuận lợi.

Năm 2024, nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm của ASEAN tăng trưởng 5,2%, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6 - 6,5%

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) công bố tháng 10 năm 2023, nhóm các nước ASEAN (bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines) sẽ đạt nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm năm 2024 là 79,2 triệu tấn thép, tăng trưởng 5,2% so với năm 2023. Đối với thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là khu vực EU, WSA dự báo nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm của khu vực này là 152,7 triệu tấn, tăng trưởng 5,8% so với năm 2023; đây là khu vực thị trường có tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu thép được dự báo cao nhất thế giới trong năm 2024 sau khi tiêu thụ thép thành phẩm của khu vực này dự kiến sẽ sụt giảm 5,1% trong năm 2023.

Đối với Việt Nam, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đặt ra là 6-6,5%.

Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam năm 2024 đang ngày càng lớn dần. Các động lực tăng trưởng chính của nhu cầu thép Việt Nam phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản trong nước và sự cải thiện của các thị trường xuất khẩu lớn. Ngành thép Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường bất động sản nội địa sẽ được hồi phục từ năm sau khi: Luật đất đai sửa đổi được thông qua sẽ tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới nhu cầu thép Việt Nam sẽ phục hồi trở lại từ năm 2024. 

Trần Hương