Giá thép xây dựng giảm lần thứ 3 trong tháng 4

Giá giảm, sức mua yếu tiếp tục là nét chính của thị trường thép xây dựng hiện nay trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và tâm lý tiêu cực tại hầu hết các khu vực thị trường trên thế giới. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.

20/04/2023 14:20

Ngày 19/4, giá bán thép xây dựng nội địa tiếp tục được các nhà sản xuất điều chỉnh giảm lần thứ 3 trong tháng 4 với mức giảm của thép cuộn từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn, thép cây giảm 150.000 đồng/tấn. Đây cũng là đợt giảm giá lần thứ 3 kể từ đầu năm 2023 cho tới nay. Sau 03 đợt giảm giá, tổng mức giảm của giá thép cuộn phổ biến từ 650.000 – 800.000 đồng/tấn, thép cây từ 400.000 – 550.000 đồng/tấn, tùy theo thương hiệu và khu vực thị trường.

Tham khảo giá một số mặt hàng thép xây dựng niêm yết tại khu vực Miền Nam và Miền Bắc, đây là giá bán buôn của nhà sản xuất, chưa bao gồm VAT, giao tại nhà máy và thanh toán ngay, cụ thể như sau:

19-4-2023-1

19-4-2023-2

Trong đợt giảm giá ngày 19/4, nhiều doanh nghiệp đồng thời thực hiện bảo lãnh giá cho hàng đã bán ra một tuần trước đó và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới.

Mặc dù các nhà sản xuất giảm giá với tần suất giảm 01 lần/01 tuần, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu. Theo đánh giá của một số nhà phân phối, tốc độ hàng bán ra hiện nay không chỉ chậm hơn so với tháng trước mà còn chưa bằng một nửa so với cùng thời điểm năm 2022 và năm 2021.

Nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh. Theo S&P Globals, ngày 19/4, giá thép cây xuất khẩu của Trung Quốc ở mức 608 USD/tấn FOB, giảm 2,7% so với đầu tuần trước (ngày 10/4) và giảm 4,9% so với đầu tháng 4/2023; giá thép cuộn xuất khẩu của quốc gia này hiện ở mức 598 USD/tấn FOB, giảm 5,8% so với giá ngày 1/4/2023.

Trung Quốc cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu và giảm giá để cạnh tranh

Tính đến ngày 19/4, giá thép xây dựng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 4 tuần liên tiếp, còn giá tại thị trường nội địa đã giảm 5 tuần liên tiếp do nhu cầu đối với sản phẩm này tiếp tục giảm trong khi tồn kho vẫn ở mức cao do lượng sản lượng sản xuất tăng cao trong Quý 1/2023. 

Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng thép Quý 1/2023 của Trung Quốc đạt 261,56 triệu tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng sản xuất tháng 3/2023 đạt 95,73 triệu tấn, tăng 6,9% so với tháng 3 năm ngoái. 

Áp lực từ nhu cầu tiêu thụ thấp ở thị trường trong nước và xuất khẩu buộc các nhà sản xuất phải giảm giá bán, nhưng điều này không mang lại kết quả tích cực. Sang tháng 4/2023, một số công ty thép Trung Quốc đã cắt giảm sản xuất để cân bằng cung cầu và tránh làm giảm đáng kể giá thép thành phẩm cũng như lợi nhuận của sản phẩm. Tuy nhiên những người tham gia thị trường thép Trung Quốc phần lớn cho biết họ không chắc chắn về nhu cầu của thị trường cho đến cuối tháng 4 và dự đoán thị trường sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng giảm trong tháng 5 và tháng 6; sự phục hồi về giá dự kiến sẽ diễn ra trong nửa cuối năm nay.

19-4-2023-3 Nguồn: S&P Globals

Nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu được dự báo đạt 1,822 tỷ tấn năm 2023, tăng trưởng 2,3%

Ngày 18/4, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) đã công bố dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ phục hồi và tăng trưởng 2,3% so với năm 2022; trong đó Trung Quốc tăng trưởng 2% và khu vực ASEAN tăng trưởng 6,2%.

Năm 2023, lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể tiếp tục hưởng lợi từ các dự án được khởi xướng vào cuối năm 2022, tuy nhiên lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ chỉ phục hồi nhẹ vào cuối năm 2023 nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Sự phục hồi của bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2024, nhưng sẽ chỉ ở mức vừa phải và tăng trưởng có thể yếu đi vào năm 2024 nếu không có dự án quy mô lớn nào bắt đầu vào năm 2023. WSA dự báo nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc năm 2024 sẽ không có tăng trưởng, nhu cầu tương đương như năm 2023, ở mức 939,3 triệu tấn. 

Còn đối với khu vực ASEAN, WSA dự báo nhu cầu tiêu thụ thép năm 2023 ở mức 77,1 triệu tấn, tăng trưởng 6,2% so với năm 2022. Các dự án quan trọng trong khu vực bao gồm các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và công nghiệp của Việt Nam, các dự án đường sắt đường dài của Philippines và dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia. 

Trong đó, dự án xây dựng thủ đô mới mang tên Nusantara trên đảo Kalimantan của Indonesia đã bắt đầu quá trình xây dựng từ giữa năm 2022 sau khi Quốc hội nước này phê chuẩn Luật dời thủ đô khỏi Jakarta. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 56.180 ha và hiện đã hoàn thiện 14% hạ tầng và dự kiến khánh thành vào tháng 8/2024.

z4280309646383_f3ac4eb7dc822cd638f15162c27ae857 Nguồn: Hiệp hôi Thép Thế giới

Trần Hương