Giá thép tiếp tục tăng cận Tết Nguyên Đán
Cuối tuần này sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, nhưng thị trường thép xây dựng vẫn đang khá sôi động khi các nhà sản xuất tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán ngay trong ngày đầu tuần thứ 3 của tháng 1/2023 trước áp lực về tốc độ tăng giá của nguyên liệu đầu vào. Hầu hết những người tham gia thị trường đều dự báo giá thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng sau Tết.
16/01/2023 17:00
Ngày 16/1/2023, hầu hết các nhà sản xuất thép xây dựng trong nước điều chỉnh tăng giá 200.000 đồng/tấn so với giá bán hiện tại đối với cả mặt hàng thép cây và thép cuộn. Bên cạnh đó, cũng có những mức điều chỉnh tăng giá khác nhau từ 150.000 – 230.000 đồng/tấn tùy theo thương hiệu, chủng loại sản phẩm và khu vực thị trường; có thương hiệu tăng riêng giá thép cuộn bán vào thị trường dự án công trình ở mức 500.000 đồng/tấn.
Tham khảo giá niêm yết tại một số nhà máy
Ghi chú: Giá bán tại nhà máy, thanh toán ngay, chưa VATĐây được coi là đợt tăng giá lần thứ 2 của tháng 1/2023 đối với thép cây và thép cuộn, tổng mức tăng cả hai đợt giao động từ 250.000 – 400.000 đồng/tấn tùy theo thương hiệu và chủng loại sản phẩm. Như vậy giá thép xây dựng nội địa bình quân tháng 1/2023 tính tới thời điểm hiện tại tăng từ 1 – 1,8% so với tháng 12/2022. Tỷ lệ tăng này tương đối thấp so với tỷ lệ tăng giá thép xây dựng từ 3,4 – 7,3% của thị trường thế giới.
Nhìn chung, áp lực từ diễn biến tăng giá của nguyên liệu đầu vào đã buộc các nhà sản xuất thép xây dựng toàn cầu phải điều chỉnh tăng giá.
Đối với thép phế nội địa, từ nửa cuối tuần trước cho tới đầu tuần này, thị trường tương đối ổn định về giá. Một số nhà sản xuất thép có giá thu mua thép phế liệu nội địa thấp đã điều chỉnh tăng giá từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn vào cuối tuần trước để nâng giá thu mua của công ty mình lên ngang với mặt bằng giá chung của thị trường.
Ghi nhận tại ngày 16/1/2023, giá thép phế loại 1 tại khu vực phía Bắc hiện phổ biến từ 10,5 – 10,7 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 9,3 – 9,5 triệu đồng/tấn, đây là giá chưa bao gồm VAT và giá giao tại kho bên mua.
Trong khi đó giá chào thép phế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tiếp tục tăng do giá thép phế toàn cầu vẫn đang duy trì xu hướng phục hồi. Trong tuần từ ngày 9 – 13/1/2023, giá thép phế tại thị trường Châu Á tăng liên tục trong 3 ngày cuối, giá bình quân chung cả tuần tăng từ 1,1 – 3,6% so với tuần liền kề trước đó; còn giá thép phế tại khu vực Châu Âu và Mỹ có diễn biến giảm nhẹ các ngày trong tuần, nhưng tính chung cả tuần thì giá bình quân vẫn cao hơn tuần trước từ 1 – 1,9%.
Tổng hợp giá thép phế tại các khu vực trên thế giới
Với các yếu tố như: xu hướng tăng giá thép phế trên thị trường thế giới thời gian qua, triển vọng tăng giá thép xây dựng nội địa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, nguồn cung thép phế liệu trong nước hạn chế; nhiều khả năng đà tăng giá thép phế tại thị trường nội địa sẽ tiếp tục duy trì và phục hồi sau Tết, trong đó giá thép phế tại thị trường phía Nam được dự báo sẽ sớm tăng trở lại do giá tại khu vực này đang thấp tương đối so với giá phía Bắc.
Đối với phôi thép nội địa, ghi nhận tại ngày 16/1/2023, giá chào phôi thép các loại tăng phổ biến từ 100.000 – 300.000 đồng/tấn so với ngày 12/1/2023. Tính chung từ đầu tháng 1/2023 cho tới nay, giá phôi thép trong nước đã tăng khoảng 850.000 – 900.000 đồng/tấn.
Giá chào phôi thép trung tần hiện phổ biến từ 13,9 – 13,95 triệu đồng/tấn, đây là giá bán tại kho bên bán, chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển về bên mua.
Nhận định thị trường: tốc độ tăng giá phôi thép nhanh và mạnh trong thời gian qua đã khiến khoảng cách giữa giá thép thành phẩm và phôi đang ngày càng thu hẹp, gia tăng áp lực lên giá thép xây dựng. Nên nhiều khả năng giá thép xây dựng nội địa sẽ tiếp tục tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Tại thị trường thép Trung Quốc, những người tham gia thị trường cũng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng cung cầu và giá thép thành phẩm các loại sau kỳ nghỉ Tết. Tâm lý lạc quan được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế toàn cầu, khi lạm phát tại Mỹ tăng chậm lại và Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới.
Dự kiến trong tuần này, Trung Quốc sẽ công bố báo cáo số liệu tăng trưởng kinh tế năm 2022 của quốc gia này. Các nhà phân tích dự báo, GDP năm 2022 của Trung Quốc có thể là kết quả tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1976 (không bao gồm năm 2020 bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19). Việc Chính phủ Trung Quốc cam kết thúc đẩy các lĩnh vực quan trọng đang làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào năm 2023.
Thị trường hàng hóa thế giới cũng được dự báo sẽ chịu nhiều tác động khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi. Đặc biệt nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc có thể khiến giá nguyên liệu toàn cầu đối mặt với biến động giá mạnh.
Trần Hương