Giá cả tại EU sẽ tăng khi CBAM bắt đầu có hiệu lực
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp và sẽ chính thức vận hành từ ngày 01/01/2026. CBAM áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU thuộc các ngành có lượng phát thải lớn gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện và khí hydro, trong đó sắt thép, nhôm và phân bón bị ảnh hưởng nhiều nhất.
19/12/2024 18:10
EU đang đặt nền móng cho việc chuyển đổi sản xuất xanh bằng cách áp dụng phí phát thải carbon lên hàng hóa nhập khẩu trong các ngành phát thải cao. Điều này sẽ dẫn đến giá cả tăng cao hơn tại EU đối với các mặt hàng bị ảnh hưởng, trong khi dòng thương mại các sản phẩm lượng phát thải carbon cao vào EU có khả năng bị gián đoạn.
Việc EU áp dụng CBAM nhằm mục đích tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài EU về chi phí phát thải CO2. Tuy nhiên, một sân chơi bình đẳng chỉ thực sự trở thành hiện thực nếu EU mở rộng phạm vi áp dụng CBAM ra ngoài các quy định hiện hành.
Sắt thép, nhôm và phân bón: Tâm điểm của CBAM
CBAM tập trung vào 06 lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất: sắt thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydro (tổng khí thải của các lĩnh vực này chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU). Trong đó, 95% giá trị hàng hóa nhập khẩu chịu tác động của CBAM là từ 03 lĩnh vực sắt thép, nhôm và phân bón. Điều này có nghĩa là phần lớn doanh số thu được từ thuế CBAM sẽ đến từ các lĩnh vực này.
Cơ chế CBAM sẽ bước vào giai đoạn chính thức vào tháng 1 năm 2026. Khi đó, các nhà nhập khẩu EU sẽ phải mua và xuất trình chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng khí thải có trong hàng nhập khẩu của họ. Những khoản phí này sẽ tương ứng với chi phí phát thải mà các nhà sản xuất trong EU phải chịu thông qua Hệ thống Giao dịch phát thải (ETS). Điều này khiến sản phẩm có lượng phát thải cao kém cạnh tranh hơn, đồng thời thúc đẩy nhu cầu với các sản phẩm thân thiện môi trường.
Giá cả tại EU sẽ tăng trong trung hạn
Hiện tại, chỉ các nhà sản xuất trong EU phải chịu chi phí phát thải, trong khi giá hàng hóa nhập khẩu vào EU chưa phản ánh hết chi phí này. Cho đến nay, các nhà sản xuất trong EU được bảo vệ một phần nhờ vào mức hạn ngạch phát thải miễn phí. Tuy nhiên, khi CBAM được triển khai và mức hạn ngạch phát thải miễn phí dần bị loại bỏ, mọi hàng hóa bán tại EU – bất kể xuất xứ – đều phải chịu chi phí phát thải. Điều này sẽ tích hợp chi phí phát thải vào giá thị trường của hàng hóa.
Dự kiến, giá các mặt hàng thuộc CBAM tại EU sẽ tăng dần theo thời gian. Quá trình này sẽ diễn ra từ từ, khi CBAM được triển khai qua giai đoạn 8 năm, hướng tới thực hiện đầy đủ vào năm 2034.
Tăng giá và chuyển dịch thương mại
CBAM sẽ đẩy giá hàng hóa trong EU khi mọi sản phẩm, dù nội địa hay nhập khẩu, đều phải chịu phí phát thải. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong dòng thương mại, chuyển từ các nguồn cung có lượng phát thải cao (như Ấn Độ và Đông Á) sang các nguồn thân thiện môi trường hơn.
CBAM hiện chỉ áp dụng với sản phẩm thượng nguồn, chưa tính đến phát thải gián tiếp hoặc sản phẩm hạ nguồn. Điều này có thể tạo lợi thế cho các nhà sản xuất ngoài EU, các nhà sản xuất tại EU có thể mất thị phần vào tay các đối thủ ngoài EU. Do vậy, việc mở rộng CBAM để bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng là cần thiết, dù gặp nhiều khó khăn.
Tác động đối với ngành thép
CBAM sẽ khiến các sản phẩm thép có lượng carbon cao nhập khẩu vào EU trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt từ các quốc gia như Ấn Độ và Đông Á – nơi thường sản xuất với mức phát thải cao. Dẫn đến dịch chuyển thương mại từ các nguồn cung hàng hóa có lượng phát thải cao sang các nguồn thân thiện môi trường hơn.
Đồng thời, việc áp dụng chi phí carbon sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài EU hướng tới các sản phẩm thép phát thải thấp hơn để duy trì khả năng cạnh tranh, thúc đẩy chuyển dổi sản xuất xanh.
Do CBAM chỉ áp dụng cho các sản phẩm thượng nguồn, các nhà sản xuất hàng hóa hạ nguồn (chứa thép) có thể đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất ngoài EU không chịu phí phát thải.
Doanh nghiệp cần thích ứng
CBAM là bước đi quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải toàn cầu. Tuy vậy, CBAM sẽ làm thay đổi thị trường và tăng áp lực lên các nhà nhập khẩu. Doanh nghiệp cần sẵn sàng thích ứng với các quy định mới để giảm thiểu rủi ro và giữ vững thị phần, đồng thời tận dụng cơ hội từ chính sách này.
T.L