Điểm tên các thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam

Ngành thép Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023 đạt được kết quả tích cực từ hoạt động xuất khẩu khi sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 9,1 triệu tấn, tăng trưởng 30,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mười thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 tính tới hết tháng 10 lần lượt là Ý, Campuchia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bỉ, Tây Ban Nha, Đài Loan và Thái Lan.

15/11/2023 09:09

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy cán cân thương mại ngành thép đang nghiêng về nhập siêu 1,54 tỷ USD do kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 6,95 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 8,49 tỷ USD. Trước đó, năm 2022 Việt Nam nhập siêu sắt thép 3,93 tỷ USD. Như vậy sau lần xuất siêu đầu tiên vào năm 2021, Việt Nam đã quay trở lại nhập siêu trong năm 2022 và 2023. 

Tuy nhiên ngành thép Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt được kết quả tích cực từ hoạt động xuất khẩu khi sản lượng xuất khẩu sắt thép các loại đạt trên 9,1 triệu tấn, tăng trưởng 30,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có tháng 5 và tháng 6 Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu thép với sản lượng xuất khẩu sắt thép đạt trên 1 triệu tấn.

Picture1 Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Còn theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng xuất khẩu thép của các thành viên VSA 10 tháng năm 2023 đạt trên 6,7 triệu tấn thép các loại, tăng trưởng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó dấu ấn tăng trưởng 201% so với cùng kỳ năm 2022 ghi nhận ở mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) với mức sản lượng xuất khẩu đạt trên 2,8 triệu tấn; tiếp sau đó là xuất khẩu Tôn mạ đạt trên 1,8 triệu tấn, tăng trưởng 2,8%; Ống thép đạt 0,25 triệu tấn, tăng trưởng 17%. Hai mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ là thép xây dựng đạt 1,4 triệu tấn giảm 27% và thép cuộn cán nguội đạt 0,36 triệu tấn giảm 16,4%.

Picture2 Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 tính tới hết tháng 10 lần lượt là Ý chiếm 14,8%, Campuchia chiếm 9,9%, Hoa Kỳ chiếm 9,1%, Ấn Độ chiếm 8%, Malaysia chiếm 7,2%, Indonesia chiếm 6%, Bỉ chiếm 5,4%, Tây Ban Nha chiếm 3,9%, Đài Loan chiếm 3,4% và Thái Lan chiếm 3,1%.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu thép là thị trường EU khi các đối tác lớn nhập khẩu thép của Việt Nam đều có tỷ lệ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Ý là nước nhập khẩu thép của Việt Nam nhiều nhất với trên 1,35 triệu tấn tăng trưởng 128%, Bỉ nhập khẩu 0,49 triệu tấn tăng trưởng 30%, Tây Ban Nha nhập 0,35 triệu tấn tăng trưởng 70,2%. 

Theo Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER), Việt Nam chiếm 8,1% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Châu Âu trong 8 tháng đầu năm 2023. Trong khi nhập khẩu thép thành phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ giảm mạnh (lần lượt là -59%, -11% và -3%) thì nhập khẩu từ Việt Nam tăng 15%.

Đáng chú ý, Ấn Độ đã trở thành thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 4 của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 0,73 triệu tấn với giá trị trên 539,7 triệu USD, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2022 về sản lượng và tăng 7,8 lần về giá trị. Sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ kẽm. Trong đó HRC là mặt hàng mới mà Ấn Độ chưa nhập khẩu từ Việt Nam trong năm tài chính 2021/2022.

Trước đó, theo Dữ liệu của Uỷ ban Hỗn hợp (JPC) của ngành công nghiệp thép Ấn Độ cho thấy, trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2022), xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC của Ấn Độ ra thế giới đạt gần 7 triệu tấn, giảm 4,37% so với mức 7,23 triệu tấn của cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu HRC lớn nhất trong giai đoạn này của Ấn Độ với gần 1,7 triệu tấn.

Picture4 Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Campuchia từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2022 đã xuống vị trí thứ hai trong năm 2023 do giảm cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Campuchia đạt 612,7 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sắt thép xuất khẩu đạt trên 0,9 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ.

Sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là thép xây dựng. Theo các nhà xuất khẩu, lượng thép xây dựng xuất sang Campuchia giảm một phần do từ sau đại dịch Covid-19 thị trường bất động sản tại quốc gia này đã không còn sôi động như giai đoạn mười năm trước đó. Các chuyên gia kinh tế từng cảnh báo thị trường bất động sản Campuchia đang đối mặt với không ít rủi ro do nguồn cung bất động sản cao hơn cầu. Theo Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể làm ngưng trệ đà tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở Campuchia, bao gồm cả việc tăng lãi suất tín dụng do tình trạng gia tăng lãi suất trên thị trường quốc tế, dẫn đến tăng trưởng tín dụng giảm trong khi chi phí cho các khoản vay lại tăng lên, có thể làm giảm dòng vốn đầu tư trong nước.

Trần Hương