Cẩn trọng trước các dự án thép cán nguội không gỉ từ Trung Quốc

Dự án đầu tư thép không gỉ cán nguội của hai nhà đầu tư Trung Quốc sau 2 lần bị từ chối cuối cùng cũng đã được cấp phép ở một tỉnh khác. Tuy nhiên điều này dấy lên nhiều lo ngại.

17/06/2019 09:43

Dự án đầu tư thép không gỉ cán nguội của hai nhà đầu tư Trung Quốc sau 2 lần bị từ chối cuối cùng cũng đã được cấp phép ở một tỉnh khác. Tuy nhiên điều này dấy lên nhiều lo ngại.

Đó là dự án đầu tư thép không gỉ cán nguội được đầu tư bởi hai nhà đầu tư Trung Quốc Công ty TNHH Phật Sơn và Công ty Công nghệ kim loại Yongjin Triết Giang với công suất lên tới 250.000 tấn/năm.

Được biết, tháng 4/2017, dự án của liên doanh hai công ty này đã bị từ chối cấp chứng nhận đầu tư, và đến tháng 8/2018 dự án này một lần nữa bị từ chối do những lo ngại về nguồn cung thừa cầu của thị trường và nguy cơ ô nhiễm mô trường.

Tuy nhiên, điều đáng nói, chỉ sau 8 tháng bị từ chối cấp chứng nhận đầu tư tại Đồng Nai, dự án này lại được cấp chứng nhận đầu tư tại một tỉnh khác. Điều này khiến các nhà sản xuất thép không gỉ ngạc nhiên và khá "bối rối".

Liên quan đến dự án này, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), có ý kiến rằng, Chính quyền các khu công nghiệp tỉnh nên tham khảo ý kiến của các cấp cao hơn cũng như các hiệp hội liên quan khi cấp phép cho các dự án đầu tư mới để tránh mất cân đối cung cầu như cũng như tranh chấp thương mại giữa các quốc gia. Đặc biệt là khi cấp phép một dự án đầu tư thép không gỉ mới.

Trước đó, vào thời điểm năm 2018, cũng chính VSA đã lên tiếng về việc yêu cầu đề nghị không cấp phép dự án thép không gỉ của Trung Quốc với lý do để tránh phát sinh thêm những bất ổn dư thừa nguồn cung trong nước.

Cụ thể, về năng lực sản xuất, báo cáo của VSA cho thấy năng lực sản xuất các sản phẩm thép của Việt Nam huy động công suất trung bình chỉ đạt 63%. Cụ thể, tỷ lệ huy động công suất của gang là 65%, của thép thô (phôi vuông, phôi dẹt, bloom) là 76%, của thép cuộn cán nóng là 53%, của thép xây dựng (thanh, cuộn, hình) là 69%, của thép cuộn cán nguội là 30%, của ống thép hàn là 68%, của thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu là 71%.

Như vậy, khả năng huy động công suất của các sản phẩm thép Việt Nam thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới, tính đến tháng 4/2018 (khoảng 76,9%, theo thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới).

Tuy nhiên, theo đánh giá của VSA, “năng lực sản xuất các sản phẩm thép đã đáp ứng dư thừa nhu cầu các chủng loại sản phẩm thép, đặc biệt là chủng loại thép cuộn cán nguội, thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ”.

Cũng theo VSA, hiện nay, hoạt động xuất khẩu thép không gỉ cán nguội đang gặp khó khăn vì có nhiều nhà sản xuất lớn ở Đông Nam Á và nguồn cung trong khu vực vượt quá nhu cầu từ thị trường. Bên cạnh đó, xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ và EU cũng khó do bị áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép.

"Thị trường thép không gỉ trong nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự đổ bộ của các sản phẩm Trung Quốc. Nếu có thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường thông qua hoạt động thu hút đầu tư vào các dự án thép không gỉ cán nguội sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất và làm giảm hiệu quả đầu tư", đại diện VSA nhấn mạnh.

Thật sự, những lo ngại của VSA như vừa nêu không phải là không có cơ sở khi nhìn vào những bài học từ quá khứ. Trung Quốc được biết đến là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Những năm gần đây, Trung Quốc đã giảm giá bán và đóng cửa hàng loạt các nhà máy sản xuất thép do cung vượt cầu, với công suất lên tới 90 triệu tấn trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn có kế hoạch giảm sản lượng thép từ 100 triệu tấn lên 150 triệu tấn vào năm 2020 để giảm bớt sự mất cân đối cung cầu.

Do đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam, và thậm chí đã đồng ý bán sản lượng của họ ở mức thua lỗ để giành được nhiều đơn đặt hàng hơn và trang trải chi phí vận hành cố định.

Chính vì vậy, VSA đã khuyến nghị, nên khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án sản xuất hợp kim và thép chất lượng cao.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu Việt Nam quyết tâm bảo vệ môi trường như tuyên bố, các dự án "sạch" sẽ tìm đến Việt Nam. Và mặc dù, sau khi thắt chặt việc cấp giấy phép đầu tư, số lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam có thể ít hơn, tuy nhiên chất lượng sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, nhìn ở góc độ của chuyên gia năng lượng, ông Trần Việt Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, ngành thép là ngành đặc biệt sử dụng nhiều năng lượng. Vì vậy, bất kỳ dự án thép mới nào cũng phải tránh những tác động tiêu cực đáng kể đến việc tiêu thụ điện.