Các nhà máy thép nhỏ tại Trung Quốc 'né' thành công biện pháp bảo vệ môi trường để tăng sản lượng

Các nhà máy thép qui mô nhỏ ở Trung Quốc đang tận dụng việc các biện pháp bảo vệ môi trường được nới lỏng để đẩy mạnh sản xuất trước các đối thủ lớn hơn, gây nguy hiểm cho các mục tiêu chống khói bụi và thách thức củng cố ngành công nghiệp.

14/08/2019 09:44

Các nhà máy thép qui mô nhỏ ở Trung Quốc đang tận dụng việc các biện pháp bảo vệ môi trường được nới lỏng để đẩy mạnh sản xuất trước các đối thủ lớn hơn, gây nguy hiểm cho các mục tiêu chống khói bụi và thách thức củng cố ngành công nghiệp.

Ngành thép khổng lồ của Trung Quốc là một chiến trường quan trọng của quốc gia trong việc chống ô nhiễm với các thành phố sản xuất thép chính như Đường Sơn và Handan được liệt kê là nơi có chất lượng không khí độc nhất.

Luật môi trường thắt chặt hơn và chiến dịch hạn chế công suất năm 2016 được đưa ra với mục đích vừa giảm lượng khói bụi vừa tăng tỉ lệ của các công ty tuân thủ luật pháp bằng cách loại bỏ đối thủ qui mô nhỏ hơn và vô trách nhiệm với môi trường.

Nhưng việc thực thi không đồng đều đã cho phép các nhà sản xuất qui mô nhỏ vượt qua đối thủ lớn hơn và tăng sản lượng, theo các quan chức của Bộ Công nghiệp và Môi trường.

Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), đại diện cho các nhà sản xuất nhà nước và tư nhân lớn, cho rằng chính các công ty qui mô nhỏ phải chịu trách nhiệm về sản lượng thép tăng đột biến trong nửa đầu năm nay khiến giá quặng sắt tăng kỉ lục cao.

"Chúng tôi không cho phép cho các doanh nghiệp với mức độ bảo vệ môi trường thấp cạnh tranh với doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhiều hơn", ông Liu Bingjiang, một quan chức cấp cao của Bộ môi trường cho biết.

Các công ty lớn hiện phải trả gần 300 nhân dân tệ/tấn (tương đương 43,63 USD/tấn) cho chi phí tuân thủ môi trường so với mức 20 nhân dân tệ của các nhà sản xuất nhỏ.

Điều này khiến chi phí cho môi trường chiếm gần 8% tổng số tiền bỏ ra của nhà máy lớn so với con số chỉ dưới 1% của một nhà sản xuất nhỏ, theo tính toán của Reuters.

Sự khác biệt này đã giúp các công ty khai thác nhỏ tăng gần 1/4 sản lượng trong 5 tháng đầu năm nay so với mức tăng 6,2% của các thành viên CISA.

So với năm 2017, sản lượng của các công ty thuộc CISA tăng 6,9% và việc đàn áp sản xuất dưới mức tiêu chuẩn đã hạn chế tăng trưởng tại các nhà máy nhỏ hơn chỉ còn 1,1%.

Khó khăn trong việc giám sát

Các nhà máy thép lớn cũng buộc phải nâng cấp cơ sở và hệ thống của họ để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải mới.

Các nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc như Baowu Group và HBIS Group cho biết họ đã chi gần 3 tỉ nhân dân tệ mỗi năm để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Mục tiêu cuối cùng của các công ty tư nhân là lợi nhuận nên dù việc thao túng dữ liệu xả thải ngày càng trở nên khó khăn, họ luôn tìm các cách để đối phó với việc kiểm tra.

Bộ môi trường thường xuyên cáo buộc các nhà máy đặt sai vị trí cảm biến, tắt thiết bị hoặc tăng cường sản xuất vào ban đêm để tránh sự giám sát.

Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy số lượng các công ty thép thuộc sở hữu nhà nước để kiểm soát sản lượng và ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng của giá quặng sắt nhập khẩu nhưng thay vào đó các công ty qui mô nhỏ lại tăng thị phần.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới và Cục Thống kê Quốc gia, sản lượng thép thô của 10 nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc là 329,23 triệu tấn trong năm 2018, chiếm 35,5% tổng sản lượng của đất nước.

Con số này giảm so với mức 37% trong năm 2017 và vẫn nằm dưới mục tiêu của Bắc Kinh là đưa 60% tổng công suất vào tay 10 nhà sản xuất lớn nhất vào năm 2020.

"Thị trường có thể quyết định khối lượng thép được sản xuất trong nước nhưng không thể quyết định hoàn toàn ai là người sản xuất số lượng đó", Chủ tịch CISA ông He Wenbo cho biết.