Bỏ mặc Nhà máy cán thép nghìn tỉ ở Quảng Ninh: 3.300 tỉ đồng đắp chiếu đến bao giờ?
24/05/2017 08:58
Cho đến lúc này, sau hơn 7 năm tồn tại như một công xưởng hoang phế, Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân (công suất 500.000 tấn/năm, có vốn đầu tư gần 3.300 tỉ đồng (thời điểm năm 2009) ngày càng xuống cấp trầm trọng và gần như không thể hoạt động. Mọi phương án giải cứu đã thất bại hoàn toàn, khiến dự án hàng ngàn tỉ đồng đang “chìm” theo “con tàu” Vinashin - đơn vị sở hữu nhà máy.
Nhà máy... “ma”
Trở lại Nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân - thuộc Cty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân (TCty Công nghiệp tàu thủy - SBIC), tại KCN Cái Lân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, không ai không chua xót khi nhìn cảnh hoang tàn, sắt thép hoen rỉ... do đã quá lâu năm nhà máy bị bỏ hoang, không vận hành. Phía trong nhà máy, lác đác vài bảo vệ canh trực, mặt buồn thiu... Được Tập đoàn Vinashin trước đây xây dựng từ năm 2003, trên diện tích 15ha tại KCN Cái Lân, với mức khai toán 3.300 tỉ đồng, nhà máy có công suất giai đoạn đầu là 500.000 tấn sản phẩm/năm từ dây chuyền, công nghệ của Đức và Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, khi mẻ thép đầu tiên ra lò vào tháng 6.2010, ngành đóng tàu trong cả nước kỳ vọng sẽ có nguồn cung ứng thép tấm khổ lớn thay thế nhập khẩu để phục vụ đóng những con tàu biển có tải trọng hàng vạn tấn trong các nhà máy sản xuất của Vinashin. Tuy nhiên, sau đại án xảy ra tại Vinashin, số phận nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân buộc phải dừng đốt lò, trong khi đã đầu tư đồng bộ trên 90% công năng sản xuất.
Kể từ đó đến nay, trong hơn 7 năm bỏ hoang, Báo Lao Động đã có nhiều loạt bài phản ánh về thực trạng xuống cấp, những băn khoăn của người trong cuộc, dư luận về hàng nghìn tỉ đồng của nhà nước đang bị phung phí theo năm tháng. Những người có trách nhiệm (Bộ GTVT) vẫn chưa thể có kế sách, hay phép giải bài toán hồi sinh nhà máy hoặc bán thu hồi phần nào số tiền về cho ngân sách nhà nước.
Theo lãnh đạo Cty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân: Hiện đơn vị có 50 lao động, nhưng trong số đó có tới 41 người làm công tác bảo vệ 3 nhà máy của SBIC “chết dí” nhiều năm nằm trong KCN. Tổng số tài sản mà 50 con người đang trông coi hàng ngày ước tính là 5.000 tỉ đồng. Ngoài nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân, còn có Nhà máy sản xuất cửa nhựa (vốn đầu tư vài triệu USD), Nhà máy phát điện diesel công suất 39 MW cách đó vài trăm mét cũng cùng cảnh ngộ.
Dự án nhà máy phát điện diesel khi đó được Vinashin ký hợp đồng EPC chìa khóa trao tay với giá trị gần 36 triệu USD với một đối tác nước ngoài. Khi chưa kịp phân phối vào lưới điện quốc gia và cung cấp cho Nhà máy cán thép thì vị Chủ tịch Cty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân khi đó là ông Tô Nghiêm đã bị cơ quan điều tra bắt giữ và đưa ra xét xử. Chỉ khi đó, người ta mới biết sự thực: Thiết bị chính của nhà máy phát điện diesel được tháo dỡ từ một nhà máy điện cũ kỹ từ thập niên 70 của thế kỷ trước tại Trung Quốc.
Không còn lối thoát?
Theo ông Hoàng Việt Văn - Giám đốc Cty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân: “Chúng tôi thực sự lo lắng khi hàng ngày phải chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của nhà máy cán thép được đầu tư hiện đại nhất khu vực. Nhiều chi tiết bị hỏng, đặc biệt là nước biển ngấm làm hỏng hệ thống thủy lực chìm (lắp đặt dưới hầm sâu 8,5m, điều khiển trục quay máy cán chính) do lâu ngày không duy trì bảo dưỡng. Phía công nhân túc trực nhà máy hàng ngày vẫn duy trì 11 máy bơm lớn nhỏ để bơm chống ngập, nhưng khó lòng cứu vãn thiết bị do thời gian lâu năm không hoạt động dẫn đến phá hỏng”.
Tìm hiểu của PV Báo Lao Động cho thấy, để duy trì quân số đầy đủ trông coi 3 nhà máy bỏ hoang, mỗi tháng Cty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân phải bỏ ra số tiền trên dưới 300 triệu đồng để trả lương và điện thắp sáng. Phần lớn chi phí này được thu từ nguồn cho thuê mặt bằng, diện tích trống của nhà máy cho vài doanh nghiệp lân cận để xe ôtô và chứa hàng...
Điều quan ngại, theo một số cán bộ trong Cty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân, đã nhiều lần đơn vị và phía lãnh đạo SBIC có văn bản “cầu cứu” các bộ, ngành có kế sách, phương án xử lý nhà máy cán thép nhưng xem ra đều rời vào bế tắc. “Đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các cơ quan trung ương đã nhiều lần cử đoàn xuống tìm phương kế “giải cứu”, nhưng đều không đưa ra được cách thức tối ưu. Thậm chí, khát khao tìm cách đưa nhà máy có thể hoạt động trở lại, một đoàn cán bộ của Ban Kế hoạch - đầu tư SBIC xuống ăn nằm tới 6 tháng trời tính toán, tuy nhiên đến nay cũng... đành “bó tay” - một cán bộ Cty cho biết.
Một trong những rào cản lớn khiến các phương án để nhà máy cán thép hoạt động trở lại rơi vào bế tắc là bởi giá thép tấm trên thị trường khá rẻ. Theo tính toán của đại diện Cty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân, ở vào thời điểm này, thép tấm Trung Quốc chỉ bán ra thị trường trung bình giá 7.400 đồng/kg. Do vậy, chỉ mỗi việc nhập phôi chuyển về tới nhà máy sản xuất cũng đã đắt hơn chi phí mua thép tấm bên ngoài, chứ chưa kể sản xuất ra thép, nên không nhà đầu tư nào quan tâm.