Bất chấp rào cản, thép vẫn tăng trưởng khá
09/04/2019 10:01
Trong số các mặt hàng bị “dính” các cuộc điều tra phòng vệ thương mại trên thị trường thế giới, có thể nói thép là mặt hàng phải “gánh” số cuộc điều tra nhiều nhất. Cụ thể, trong tổng số các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các ngành hàng mà Việt Nam phải hứng chịu, thép chiếm tới 1/3.
Thép nằm trong nhóm bị “soi” mạnh nhất
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2018, ngành thép Việt đã bị hàng loạt các thị trường khởi kiện về phòng vệ thương mại, trong đó phải kể đến các thị trường như Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Mỹ, Liên minh kinh tế Á - Âu, Ấn Độ. Đáng chú ý, chỉ riêng thị trường Mỹ, thép đã liên tục phải gánh chịu các cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá và chống trợ cấp. Theo ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), có hơn 1.500 các vụ việc phòng vệ thương mại thì ngành thép chiếm hơn 30% trong tổng số các vụ việc.
Nguyên nhân của thực tế này được giới chuyên gia chỉ rõ, là do thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép và Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, khiến cho nhiều quốc gia khác phải đối phó bằng cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để hạn chế nhập khẩu thép.
Có thể khẳng định, từ xưa đến nay, thép vẫn luôn là mặt hàng “lọt vào tầm soi” của thị trường thế giới, do đó đây cũng chính là ngành hàng bị các quốc gia áp dụng giải pháp bảo hộ, phòng vệ thương mại nhiều nhất. Ngoài Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại rất mạnh tay đối với các sản phẩm thép nhập khẩu – trong đó có thép của Việt Nam – thì Canada, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh kinh tế Á - Âu cũng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ đối với toàn bộ ngành thép. Đó là chưa kể các nước khác đều tăng cường điều tra các vụ việc liên quan chống phá giá, hay chống trợ cấp đối với mặt hàng thép cụ thể và một số quốc gia cụ thể.
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân của vấn đề này, bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay: Thứ nhất do thép là mặt hàng sản xuất cơ bản ở rất nhiều nước và được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Thứ hai là tình trạng dư cung toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính toán, năm 2017 thì lượng dư cung toàn cầu là gần 900 triệu tấn, trong đó chủ yếu lượng thép dư thừa ở Trung Quốc. Mặt khác, do kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại dẫn đến nhiều doanh nghiệp thép gặp thiệt hại và xu hướng bảo hộ mậu dịch quay trở lại.
Riêng đối với Việt Nam, bà Giang cho biết, tính đến thời điểm này đã phải hứng chịu 47 cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp các loại đối với thép. Còn nếu tính chung tất cả các ngành hàng mà Việt Nam bị các nước đưa vào tầm “soi”, riêng thép chiếm 1/3 tổng số vụ việc.
Vẫn tăng trưởng khá
Tuy nhiên, tất cả những trở ngại nói trên không cản trở được sự tăng trưởng của ngành thép trong thời gian qua. Theo bà Giang, mặc dù bị điều tra, kiện phòng vệ thương mại với tần suất cao, song thời gian qua, các doanh nghiệp thép vẫn có mức tăng trưởng về sản xuất cũng như xuất khẩu, được đánh giá cao trong khu vực.
Cụ thể, số liệu của Bộ Công thương cho biết, sau 2 tháng đầu năm suy giảm nhẹ, tình hình xuất khẩu sản phẩm từ sắt, thép đã được cải thiện, tăng trưởng trở lại trong tháng 3/2019, ước tính đạt 280 triệu USD, tăng 60,3% so với tháng 2/2019 và tăng 6,8% so với tháng 3/2018; nâng kim ngạch 3 tháng đầu năm 2019 lên 744 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Mỹ, EU và Đông Nam Á lần lượt là những thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng sắt thép của Việt Nam; chiếm khoảng 55% tỷ trọng. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lớn còn ký kết được hợp đồng với số lượng xuất khẩu lớn tại một số thị trường tiềm năng. Đơn cử, Tập đoàn Hoa Sen đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4.300 tấn tôn, trị giá 3,7 triệu USD đi thị trường một số nước châu Mỹ…
Theo bà Giang, dù chịu nhiều áp lực từ việc bảo hộ của các nước nhập khẩu, song không phải vụ việc nào Việt Nam bị điều tra cũng bị áp thuế và chịu thiệt hại. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có những hành động để bảo vệ thị trường trong nước trước sức ép thép nước ngoài xuất đi mà bị các nước ngăn chặn có khả năng tràn vào Việt Nam, bằng các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực này, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại khi tham gia vào các vụ kiện, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.