Bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp thép
12/01/2018 10:42
Liên quan quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD), thuế chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam, Bộ Công thương, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có những động thái tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.
Áp mức thuế cao bất hợp lý
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, các công ty California Steel Industries và Steel Dynamics, Inc., đã đệ đơn kiện lên DOC về thép mạ Việt Nam. Nhà sản xuất thép Mỹ cho rằng các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam đã không có những tác động đáng kể để tạo ra thành phẩm cuối cùng. Theo quy định của Mỹ, để bổ sung sản phẩm của nước thứ ba vào lệnh áp thuế hiện hành (điều tra lẩn tránh thuế AD/CVD), DOC cần phải xem xét các yếu tố: sản phẩm nhập khẩu từ một nước thứ ba cùng loại với sản phẩm bị áp thuế; trước khi nhập khẩu vào Mỹ, sản phẩm này đã được hoàn thiện hoặc gia công từ sản phẩm sản xuất ở nước bị áp thuế; quá trình gia công hoặc hoàn thiện ở nước thứ ba là “nhỏ hoặc không đáng kể”; trị giá của hàng sản xuất ở nước bị áp thuế “chiếm phần lớn tổng trị giá của sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ” và sau đó DOC sẽ quyết định việc điều tra là cần thiết để tránh việc lẩn tránh thuế.
Ngày 5-12-2017, DOC đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra AD và CVD đối với thép các-bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy, phía Mỹ đã đưa ra mức áp thuế rất cao, bao gồm cả thuế AD và CVD cho hai sản phẩm này: 238,48% đối với tôn mạ và 522,23% đối với thép cuộn cán nguội, nếu nguồn gốc nguyên liệu sản xuất là từ thép cán nóng của Trung Quốc và không có tác động nhiều để ra sản phẩm cuối cùng. Trên cơ sở quyết định sơ bộ của DOC, Hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD và CVD mà Mỹ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc như đã nêu ở trên. Các DN sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2017, lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt gần 100 nghìn tấn, chỉ chiếm 2% tổng lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu về Việt Nam. Nguyên liệu này được dùng để sản xuất rất nhiều loại sản phẩm thép khác nhau chứ không chỉ sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội. Từ nay đến ngày 16-2-2018, thời điểm ra quyết định cuối cùng áp dụng mức thuế chống bán phá giá, Mỹ sẽ cử các đoàn chuyên gia sang Việt Nam làm việc, xác minh nguồn gốc các sản phẩm thép cuộn cán nguội và tôn mạ của Việt Nam.
Tích cực hợp tác với DOC
Theo thống kê của VSA, hiện sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam sang thị trường Mỹ khoảng 200 nghìn tấn/năm; trong đó, chủ yếu từ ba doanh nghiệp thép lớn là Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á và VSC, đều là những doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%. Đại diện VSA cho rằng, những cáo buộc của DN Mỹ là thiếu cơ sở, bởi sản phẩm của các DN thép Việt Nam nêu trên đều có nhà máy sản xuất quy mô lớn và đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Mặt khác, từ trước đến nay, theo VSA, phía Mỹ không đưa ra quy định cụ thể về hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, cho nên cáo buộc điều tra nói trên sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu khi bị đánh thuế chung.
Ngay sau khi DOC ra quyết định sơ bộ, Bộ Công thương đã khẳng định: Điểm mấu chốt trong sự việc này là Mỹ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình, khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể”, việc các DN Việt Nam sản xuất và kinh doanh thép, sau đó xuất sang thị trường Mỹ là thực tiễn thương mại thông thường. Thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của Mỹ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể", vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).
VSA cho biết, sẽ có kế hoạch hành động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN, phù hợp với quy định tại các hiệp định có liên quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). VSA cũng khuyến nghị các DN thép tích cực phối hợp khi DOC thẩm tra tại chỗ. Hiện các DN đều sẵn sàng cung cấp, chuẩn bị các tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào và hàm lượng giá trị gia tăng đối với từng mặt hàng tôn mạ và thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam, sẽ tập hợp kiến nghị thành văn bản. Đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, các sản phẩm thép cán nóng, nguyên liệu để sản xuất ra tôn mạ xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều được DN nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản. Công đoạn sản xuất tôn mạ được thực hiện qua bốn bước: thép cán nóng được tẩy gỉ sét, sau đó cán nguội, phủ hợp kim, rồi được phủ màu để trở thành tôn mạ màu, do đó cáo buộc các DN Việt Nam không có tác động đáng kể để tạo ra thành phẩm cuối cùng là thiếu cơ sở. Theo quan điểm của VSA, sản xuất thép cán nguội và thép tôn mạ của Việt Nam là những công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất khép kín của một nhà máy sản xuất thép dẹt hiện đại. Các DN đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng dây chuyền sản xuất thép cán nguội và mạ kẽm với các thiết bị máy móc tiên tiến hàng đầu thế giới. Trong đó, công đoạn cán nguội là một bước quan trọng trong dây chuyền cán thép dẹt, tạo ra giá trị gia tăng từ 30 đến 40% giá thành sản phẩm. Vì thế, cán nguội không phải là khâu "gia công hay lắp ráp" mà là “sự chuyển đổi căn bản" để tạo ra sản phẩm mới với những tính chất ưu việt hơn thép cuộn cán nóng. Sự chuyển đổi triệt để này được thể hiện trong việc chuyển dịch mã HS code hàng hóa.
Thời gian tới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương để theo dõi diễn biến tiếp theo của vụ việc. Chính phủ và DN Việt Nam đã hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ. Trong đó, Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự "chuyển đổi đáng kể" như DOC từng kết luận trước đây và vì vậy, không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như DOC cáo buộc. Trên thực tế hiện nay, hầu hết các sản phẩm thép của Việt Nam đã có tỷ lệ nội địa hóa khá cao, đủ tiêu chuẩn để mang xuất xứ “Made in Việt Nam”.