Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị tổng kết chống tham nhũng
15/12/2020 11:33
Sáng 12-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì hội nghị.
Gần 700 đại biểu là các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, Thành ủy; giám đốc công an; viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân; chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... dự hội nghị tập trung và gần 5.000 đại biểu tại hơn 80 điểm cầu trên cả nước dự hội nghị trực tuyến.
Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (năm 2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, chủ động; tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang; làm một cách bài bản, nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kỷ luật Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.
Trong giai đoạn 2013 đến 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý (27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Ngành thanh tra, kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước; nhất là tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.
Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỉ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng với gần 4.400 bị cáo.
Riêng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 ủy viên Bộ Chính trị, 7 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta là "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020 đạt 32,04%.
Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; nhiều địa phương, bộ ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ "tham nhũng vặt".
Ngoài ra, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.
Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng chống tham nhũng được phát huy tốt hơn.
Việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng được chú trọng. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước từng bước được mở rộng.