Tham nhũng và tệ nạn tham nhũng xuất phát từ chính bộ máy công quyền, vì vậy, phòng, chống tham nhũng nói chung, thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng nói riêng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Việc nhận diện các yếu tố này sẽ giúp cho hoạt động thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng ở nước ta có những cơ chế phù hợp nhằm phát huy những yếu tố tích cực, giảm thiểu những tác động trái chiều, giúp cho kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn.
Thứ nhất, yếu tố chính trị
Những quy định pháp luật về PCTN chính là sự thể chế hóa đường lối quan điểm của Đảng ta về cuộc đấu tranh gay go, phức tạp này. Tuy nhiên, khi đã có pháp luật thì việc thực hiện chúng lại phụ thuộc vào quan điểm chính trị và quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Có thể nói, đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu đến kết quả của công cuộc PCTN. Nếu các cấp ủy đảng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đều có quyết tâm chính trị, sẵn sàng đối mặt và đấu tranh với tệ tham nhũng thì các giai đoạn, các hoạt động tiếp theo sẽ được diễn ra một cách thuận lợi, trôi chảy. Ngược lại, nếu vẫn còn sự ngần ngại, do dự và né tránh từ chính các chủ thể đối với công tác PCTN thì cuộc đấu tranh này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai trên thực tế. Có thể nhìn nhận yếu tố chính trị trên mấy khía cạnh sau đây:
Một là, nhận thức chính trị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Điều này có nghĩa, các nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật Nhà nước có được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận và lĩnh hội một cách đầy đủ, chính xác để từ đó xác định được quan điểm, mục tiêu chung trong đấu tranh PCTN hay không, hơn thế nữa, từ sự nắm bắt đó, các chủ thể này có xác định được một cách rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó đề ra được các phương hướng, biện pháp cụ thể trong quá trình thực hiện pháp luật PCTN hay không.
Hai là, quyết tâm chính trị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đây là khía cạnh tư tưởng, ý chí nội tâm của các chủ thể có liên quan. Nhận thức chính trị là vấn đề quan trọng, nhưng nếu các chủ thể không có ý chí quyết tâm, coi đấu tranh PCTN là trách nhiệm cao cả, là nhiệm vụ thiêng liêng, là sứ mệnh quan trọng của mình trước Đảng, trước nhân dân thì sẽ rất khó để biến nhận thức thành hành động cụ thể.
Ba là, quyết tâm chính trị là điều ẩn sâu bên trong, do đó, điều quan trọng là quyết tâm đó phải được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành động chính trị, tức bằng các hoạt động thực tế của mỗi người. Vì vậy, yếu tố chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện pháp luật PCTN chính là thông qua các hành động chính trị cụ thể, thiết thực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chứ không phải qua lời nói, sự hô hào hay những chỉ thị suông. Nói cách khác, nhận thức chính trị hay quyết tâm chính trị phải được thể hiện trên thực tế thông qua các nghị quyết, các chương trình, kế hoạch, v.v... của các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Và điều quan trọng là các cơ quan hữu quan thực hiện các quyết tâm đó thông qua các hành động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan phải huy động được sự hưởng ứng, sự tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức và mọi công dân đối với công cuộc đấu tranh PCTN.
Thứ hai, yếu tố pháp lý
Trong các yếu tố tác động tới thực hiện pháp luật PCTN thì yếu tố pháp lý đóng một vị trí hết sức quan trọng. Đấu tranh PCTN là hoạt động sử dụng nhiều công cụ khác nhau, nhưng pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Nếu không có hệ thống các quy định của pháp luật về PCTN thì không thể có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Sự ảnh hưởng của yếu tố pháp lý đến hoạt động thực hiện PCTN thể hiện ở mấy khía cạnh sau:
Thứ nhất, nếu một hệ thống pháp luật về PCTN được ban hành mang tính hệ thống, toàn diện, phù hợp thực tiễn và mang tính khả thi thì đây sẽ là điều kiện tiên quyết để hoạt động thực hiện pháp luật PCTN có hiệu lực và hiệu quả cao. Nhưng nếu hệ thống các quy định của pháp luật không đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc xa rời thực tế sẽ cản trở quá trình thực hiện pháp luật trong cuộc đấu tranh PCTN.
Thứ hai, trong các quy định của pháp luật về PCTN thì các quy định về phòng ngừa tham nhũng góp phần hạn chế khả năng hình thành các hành vi tham nhũng, do vậy, nếu các quy định về phòng ngừa tham nhũng được quy định một cách chặt chẽ, có sự phối hợp đồng bộ trên các lĩnh vực khác nhau sẽ tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật một cách chặt chẽ, từ đó giảm khả năng vi phạm pháp luật về phòng ngừa tham nhũng. Ngược lại, nếu các quy định pháp luật trong lĩnh vực
này không dự liệu hết được các khả năng, điều kiện nảy sinh tham nhũng thì sẽ tạo kẽ hở cho các hành vi tham nhũng phát sinh.
Thứ ba, các quy định pháp luật về xử lý hành vi tham nhũng là một công cụ pháp lý sắc bén để chống tham nhũng có hiệu quả, vì vậy, nếu pháp luật về lĩnh vực này được quy định một cách cụ thể, trừng phạt cao, tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi tham nhũng thì sẽ tạo điều kiện quan trọng để thực hiện pháp luật về chống tham nhũng có hiệu quả. Ngược lại, nếu các quy định này không đủ sức răn đe thì sẽ không tạo được sự cảnh tỉnh đối với các chủ thể có khả năng tham nhũng, thậm chí các chủ thể này còn có thể “nhờn” pháp luật, sẵn sàng vi phạm pháp luật vì mục đích cao hơn.
Thứ tư, một trong những yếu tố pháp lý ảnh hưởng đến thực hiện pháp luật PCTN là ý thức pháp luật của các cán bộ, công chức, viên chức cũng như của các tổ chức, cá nhân công dân. Yếu tố này mặc dù khó nhìn nhận, khó lượng hóa được, bởi nó ẩn sâu trong tiềm thức của các chủ thể, tuy nhiên, nó lại có sức ảnh hưởng không nhỏ tới xử sự của các chủ thể. Về phía cán bộ, công chức, viên chức (với tư cách là những người có cơ hội để tham nhũng), nếu ý thức pháp luật cao, vững chắc thì họ sẽ có khả năng lựa chọn hành vi, tính toán để có sự xử sự phù hợp nhất trước những cám dỗ của lợi ích. Và khi đó, mặc dù có sự cám dỗ về vật chất hoặc tinh thần, nhưng họ sẽ đủ bản lĩnh để từ chối và giữ được sự liêm chính của mình. Về phía công dân, khi đã có ý thức pháp luật về PCTN tốt thì họ sẽ không ngần ngại, không sợ hãi, không nao núng trước hành vi tham nhũng và sẵn sàng cung cấp thông tin để xử lý các hành vi tham nhũng.
Thứ ba, yếu tố kinh tế
Tham nhũng là tệ nạn gắn liền với yếu tố kinh tế, bởi tham nhũng chính là sự trục lợi cá nhân về lợi ích, trong đó lợi ích vật chất là trọng tâm. Chính vì vậy, yếu tố kinh tế có ảnh hưởng không nhỏ tới thực hiện pháp luật PCTN. Sự tác động của yếu tố kinh tế đối với thực hiện pháp luật PCTN thể hiện trên các góc độ sau đây:
Một là, khi yếu tố kinh tế không bảo đảm cho cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì sẽ không đủ khả năng để duy trì sự liêm chính của một bộ phận, nhất là trong điều kiện họ có thể “cải thiện” cuộc sống của mình thông qua việc thực thi công vụ của họ. Điều đó có nghĩa, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những lý do có thể dẫn tới tình trạng tham nhũng. Vì vậy, nếu nhà nước có sự bảo đảm về mặt kinh tế, đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì họ sẽ không phải tính toán, tìm cách trục lợi cá nhân trong quá trình thực thi công vụ của mình.
Hai là, lĩnh vực kinh tế là nơi mà khả năng tham nhũng dễ nảy sinh nhất, vì vậy, các quy định pháp luật về quản lý kinh tế là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thực hiện pháp luật PCTN. Một cơ chế kinh tế minh bạch, công khai, bảo đảm sự khách quan, công bằng thì sẽ là một môi trường lành mạnh để nguy cơ tham nhũng khó có thể xảy ra. Ngược lại, nếu pháp luật, chính sách kinh tế không chặt chẽ, nhiều kẽ hở thì sẽ là mảnh đất dung dưỡng các hành vi tham nhũng. Chính vì thế, để góp phần thực hiện pháp luật PCTN có hiệu quả thì các chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế phải tiên lượng được mọi tình huống có thể trao cơ hội trục lợi cho các cá nhân, tổ chức liên quan, từ đó hạn chế một cách tối đa khả năng và môi trường sản sinh tham nhũng.
Ba là, kinh tế cũng là yếu tố có khả năng kích thích việc thực hiện PCTN có hiệu quả. Các chủ thể tham gia công cuộc PCTN luôn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thậm chí phải gánh chịu những rủi ro, hiểm nguy cho cuộc sống của bản thân mình, bởi chống tham nhũng là chống lại những đối tượng có sức mạnh quyền lực nhất định. Vì thế, nếu nhà nước quan tâm đến lợi ích (cả vật chất lẫn tinh thần) của những người tham gia PCTN thì sẽ khuyến khích, động viên họ sẵn sàng cùng với các cơ quan chức năng vạch mặt và trừng trị các hành vi tham nhũng. Tạo điều kiện, tạo niềm tin cho các công dân để họ vững tâm sát cánh cùng các cơ quan nhà nước trong đấu tranh PCTN sẽ là một trong những yếu tố góp phần thực hiện pháp luật PCTN đạt kết quả cao, đem lại sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh cam go này.
Thứ tư, yếu tố hội nhập quốc tế
Từ sau đổi mới (năm 1986), Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng phát triển tư duy và từng bước triển khai trên thực tế quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Đến nay, Việt Nam đang từng bước hội nhập khu vực và quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực PCTN. Việt Nam là một trong 136 quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC). UNCAC là công cụ pháp lý có giá trị ràng buộc đầu tiên trên toàn cầu trong cuộc chiến chống tham nhũng; nhằm thúc đẩy và tăng cường các biện pháp PCTN có hiệu quả; tạo thuận lợi và hỗ trợ hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật trong đấu tranh PCTN; thúc đẩy liêm chính, trách nhiệm giải trình và quản lý đúng đắn tài sản công của các quốc gia trên thế giới. Nhằm hiện thực hóa các cam kết quốc tế về PCTN, đặc biệt là UNCAC, ngày 12/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020; ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước đã có Quyết định phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc.
Như vậy, quá trình hội nhập quốc tế đã trở thành một yếu tố tác động ngày càng lớn vào công cuộc PCTN ở Việt Nam. Sự tác động của hội nhập quốc tế đối với thực hiện pháp luật về PCTN ở nước ta thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau đây:
Thứ nhất, hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề phức tạp, khó khăn và thách thức cho thực hiện pháp luật PCTN, bởi:
- Hội nhập quốc tế sẽ dẫn tới tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn bởi có yếu tố nước ngoài trong các hành vi tham nhũng, như việc chuyển tài sản, tiền tham nhũng ra nước ngoài hoặc hành vi tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài vào Việt Nam.
- Người tham nhũng có thể lựa chọn nước ngoài là nơi không chỉ tẩu tán tài sản tham nhũng mà còn là nơi để trốn tránh sau khi có hành vi tham nhũng, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm nguy hiểm này.
- Cũng qua quá trình hội nhập, các dạng thức khác nhau của hành vi tham nhũng trên thế giới sẽ được áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, điều này sẽ gây không ít khó khăn trong việc xác định hành vi tham nhũng và các biện pháp đấu tranh PCTN.
Thứ hai, tuy vậy, hội nhập quốc tế đồng thời cũng tạo những điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh PCTN thông qua những phương diện sau:
- Hội nhập quốc tế, tham gia các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về PCTN sẽ là một áp lực đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều nỗ lực hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Sự hối thúc của hội nhập sẽ đặt ra những đòi hỏi từ phía nhà nước trong việc xây dựng các chiến lược, chủ trương, chính sách và pháp luật để đẩy mạnh công tác PCTN.
- Hội nhập quốc tế sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong công tác đấu tranh PCTN, đặc biệt là qua việc học hỏi các nước có nhiều thành công trên lĩnh vực này. Học tập kinh nghiệm quốc tế sẽ góp phần hoàn thiện hơn pháp luật về PCTN cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thực hiện pháp luật về PCTN.
- Hội nhập quốc tế cũng là cơ hội để Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài đối với công tác đấu tranh PCTN, như các vấn đề đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, thu thập, trao đổi và phân tích thông tin, v.v... Liên hợp quốc và các tổ chức lớn trên thế giới đều có các chương trình hỗ trợ các quốc gia trong đấu tranh PCTN; vì vậy, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các dự án tài trợ của các tổ chức này. Gần đây, Việt Nam đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Liên minh châu Âu (EU) tài trợ một số tiền không hoàn lại là để tiến hành dự án Tăng cường năng lực của Thanh tra và Chính phủ Việt Nam trong công tác theo dõi và báo cáo về thực trạng tham nhũng và PCTN (theo yêu cầu của UNCAC) - Dự án GI-UNCAC (bắt đầu từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2013). Đây chính là một minh chứng cho sự tác động tích cực của hội nhập quốc tế đối với thực hiện pháp luật PCTN ở Việt Nam.
- Ngoài ra, qua quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng tuyên truyền cho thế giới hiểu rõ hơn về công cuộc đấu tranh PCTN của mình, từ đó tạo niềm tin để thu hút đầu tư (trực tiếp hoặc gián tiếp), kêu gọi tài trợ của nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế. Đặc biệt, qua hoạt động này cũng góp phần nâng vị thế của quốc gia ngày càng cao hơn trên trường quốc tế.