Sẽ trình Bộ Chính trị cả 2 phương án xử lý tài sản tham nhũng

Liên quan tới 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được nguồn gốc gồm khởi kiện ra toà đề nghị tịch thu hoặc thu thuế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị cả 2 phương án.

11/09/2018 09:16

Liên quan tới 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được nguồn gốc gồm khởi kiện ra toà đề nghị tịch thu hoặc thu thuế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị cả 2 phương án.

Ủy ban Tư pháp nghiêng về phương án 1

Tại phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu sáng nay (10/9), Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là nội dung đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Lần này, liên quan tới Dự án Luật phòng chống tham nhũng, cơ quan thẩm tra dự án luật chỉ nêu một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57).

Báo cáo nêu rõ: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 2 phương án gồm thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2) bảo đảm có căn cứ, phù hợp với thực tiễn.

Theo phương án 1, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình. Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ưu điểm của phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, việc giao cho tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên.

Báo cáo nêu rõ: Theo cơ quan thẩm tra, đây là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho biết, đến năm 2011 có khoảng 25 quốc gia quy định về thu hồi tài sản không dựa trên kết án hình sự.

Theo phương án 2, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ưu điểm của phương án này là thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế) nên thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án.

Việc thu thuế cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và thu hồi tài sản nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ vẫn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa hành chính để giải quyết.

Đối với các phương án khác, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội là xử lý hành chính, xử lý hình sự thông qua việc hình sự hóa tội làm giàu bất chính xử lý như hiện nay, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án cũng đều xem xét, cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: Cả Ủy ban Tư pháp và Chính phủ (cơ quan trình dự án luật) đề nghị lựa chọn phương án 1, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Trình cả 2 phương án

Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải-Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ: "Phương án 1 khá văn minh, được ủng hộ nhưng cũng đặt ra lo lắng về tính khả thi. Tôi rất băn khoăn ở mức độ quá tải các vụ án hành chính hiện nay tại tòa. Tôi nghiêng về phương án 2".

Còn theo ông Nguyễn Văn Giàu-Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Để luật khả thi cần ít nhất hai điều. Một là tính thống nhất trong nội bộ, toàn bộ hệ thống chính trị. Thứ hai là quy định phải đủ rõ, phù hợp với hiến pháp. "Việc này quá lớn, tôi mong muốn trở lại vấn đề gốc, kiểm tra dòng tiền và tài sản", ông Giàu nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Luật bao gồm phòng và chống tham nhũng. Phần phòng phải quy định rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Ví dụ, chi tiêu 500.000 đồng trở lên đều phải thanh toán không dùng tiền mặt.

"Còn về phần chống tham nhũng, tài sản nếu chứng minh được là tham ô thì đã có luật quy định, tịch thu không bàn. Điểm bàn ở đây là tài sản chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay đã có công cụ để xử lý chính là Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Quản lý thuế. Luật hiện hành quy định những khoản thu nhập không thường xuyên diện này bị áp thuế cao nhất là 35%, nếu không kê khai còn phải chịu phạt 1-3 lần. Nếu áp dụng các quy định ở mức tối đa thì hoàn toàn có thể thu hồi gần như 100% tài sản đó, vẫn đáp ứng nguyên tắc: tài sản đã xác định là hình thành do tham nhũng thì phải thu hồi. Quan điểm của tôi là áp dụng theo Luật thuế. Cứ làm nghiêm là mọi việc đi vào nề nếp", ông Hiển nhấn mạnh.

Liên quan tới Dự án Luật phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Sau khi thảo luận nhiều lần, đa số ý kiến thống nhất 2 phương án, một là khởi kiện ra toà đề nghị tịch thu và hai là thu thuế. Cân nhắc kỹ ưu nhược điểm của cả 2 phương án, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị cả 2 phương án nêu trên".