Phòng, chống hối lộ qua các thương vụ quốc tế
29/03/2017 14:41
Hôm qua (28/3) tại Hà Nội, Cơ quan Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam phối hợp Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tìm hiểu các vấn đề trong lĩnh vực phòng, chống hối lộ các quan chức nước ngoài khi thực hiện các thương vụ quốc tế”.
Tại Hội thảo, các bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan đến chống tham nhũng và đấu tranh phòng, chống hối lộ các quan chức nước ngoài khi thực hiện các thương vụ quốc tế. Nhiều đại biểu đã đưa ra những thông tin về Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và các biện pháp áp dụng ở Việt Nam trong đấu tranh chống tham nhũng lĩnh vực nhập khẩu.
Theo ông Lê Hồng Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Kiểm tra (Tổng cục Hải quan), công tác hải quan luôn được xem là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là cán bộ, công chức hải quan luôn phải tiếp xúc với nhiều dạng người thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, có mục đích, động cơ khác nhau.
Công việc phải thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với tiền hàng và những mặt trái của cơ chế thị trường, đã có không ít đối tượng tìm mọi cách lợi dụng, mua chuộc, câu móc cán bộ, công chức hải quan để gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế…
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật mặc dù được cải thiện, chỉnh sửa nhiều lần, nhưng vẫn tồn tại sự không đồng bộ, tạo kẽ hở, có thể bị lợi dụng..
Để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, ông Lê Hồng Tân cho biết, Tổng cục Hải quan đã và đang đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan...
Hiện nay ngành Hải quan đã cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 167 dịch vụ liên quan đến thủ tục hành chính, mức độ 4 có 74 dịch vụ cho phép doanh nghiệp thực hiện thông qua mạng Internet các thủ tục hành chính liên quan đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí.
Các trang thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố cũng được kết nối với các Cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương, góp phần tích cực vào công tác cải cách thủ tục hành chính của các tỉnh, thành phố.
Cho rằng cần thúc đẩy các nỗ lực chung trong công cuộc đấu tranh phòng chống hối lộ khi thực hiện các thương vụ quốc tế, các đại biểu nhận định, hiện nay các tổ chức quốc tế ở cấp toàn cầu cũng như ở cấp khu vực (Liên Hợp quốc, Nhóm các quốc gia chống tham nhũng, Hội đồng châu Âu) đang tích cực tiến hành các công việc để xây dựng các tiêu chuẩn chống tham nhũng. Đóng vai trò quan trọng trong quá trình này là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Công ước OECD quy định các quốc gia thành viên phải có trong hệ thống pháp luật của mình những quy tắc quy định trách nhiệm đối với việc hối lộ các quan chức nước ngoài của các cá nhân cũng như các pháp nhân.
Một yêu cầu cơ bản là các quốc gia thành viên phải có các chế tài tương ứng, trong đó có chế tài hình sự và các biện pháp phù hợp nhằm phát hiện ra các vi phạm như vậy và trừng phạt khi nó được thực hiện. Với mục đích này, luật pháp quốc gia phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân hối lộ các quan chức nước ngoài khi ký kết các thương vụ quốc tế.
Các quốc gia thành viên Công ước OECD phải quy định trong hệ thống pháp luật của mình trách nhiệm hình sự đối với việc cố ý đề xuất, hứa hẹn hoặc cung cấp bất kỳ tài sản hoặc ưu thế phi pháp nào cho quan chức nước ngoài với mục đích có được sự hỗ trợ hoặc cản trở việc ký kết các thương vụ quốc tế.
Bên cạnh đó, các bộ luật quốc gia phải quy định trách nhiệm của các pháp nhân hối lộ các quan chức nước ngoài, đồng thời tính chất và mức độ trách nhiệm của các cá nhân và các pháp nhân phải tương đồng với hình phạt dành cho các đối tượng phạm tội hối lộ các quan chức quốc gia thành viên Công ước OECD.
Theo Trưởng Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Viacheslav Nikolaevich Kharinov, Liên bang Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Với lợi thế này, hai nước cần có những dự án hợp tác tích cực trong lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng và củng cố mối quan hệ kinh tế mật thiết trên cơ sở trung thực, cởi mở.