Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống tham nhũng, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng vạn, hàng triệu con người mất… cử tri cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp"

02/10/2018 13:26

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống tham nhũng, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng vạn, hàng triệu con người mất… cử tri cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp"

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018. Ảnh CPV


Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã viết: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực” (1). Triển khai chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thảo luận Đề án và ngày 30-10-2016 ban hành Nghị quyết 04-NQ/TW về “ Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, trong đó, lần đầu tiên trong các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đề ra 27 biểu hiện nhận diện những biểu hiện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Đại hội XII của Đảng, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, như: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao (năm 2017, GDP tăng 6,81% cao nhất trong 10 năm qua; 6 tháng đầu năm 2018, GDP tăng 7,34%); chính trị - xã hội ổn định như một nhà báo phương Tây đã nói: Việt Nam là bến cảng bình yên trong cơn bão táp; công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh – đối ngoại, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được tăng cường và nâng cao; niềm tin trong các tầng lớp nhân dân với Đảng không ngừng tăng lên. Cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện quyết liệt phương châm của Đảng đề ra: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, để tạo ra những tiền đề sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.Trong các thành tựu quan trọng đạt được trên, có thể khẳng định, công tác xây dựng Đảng rất được chú trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; nhất là đã gắn kết việc thực hiện triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp, các ngành đẩy mạnh và bước đầu đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 15 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó, có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hộI XII đến nay, đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó, có 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên là Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 đồng chí Ủy viên Trung ương – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi thành kỷ luật đối với 157 tổ chức đảng và 7986 đảng viên vi phạm; trong đó có 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng, có ý làm trái, 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Nhất là, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng và 14 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu, được dư luận đồng tình; củng cố thêm niềm tin của nhân dân và là động lực to lớn để đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển nhanh và bền vững. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25-6-2018, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trungương Đảng phát biểu đã đánh giá cao những kết quả đạt được từ đầu Đại hội XII của Đảng đến nay, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế: “Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp”(2).

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới để góp phần có hiệu quả hơn nữa vào cuộc đấu tranh trên mặt trận “dữ dội những chiến trường không tiếng súng này”:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan đơn vị để nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng hiện nay, nhất là ở địa phương, đơn vị mình quản lý để gương mẫu và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Ngay từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, Đảng đã đánh giá: “Tệ tham nhũng nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó đã gây tác hại lớn, làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng(3) và đến Đại hội XII, Đảng nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn(4). Do vậy, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải xác định tham nhũng là một “căn bệnh” cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà Đảng ta xác định là giặc “nội xâm” nên phải kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh tuyên tuyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về việc tham gia phát hiện và tố cáo tham nhũng ở mọi cấp độ và gắn với việc biểu dương, khen thưởng những người dũng cảm tố giác, phát hiện. Có cơ chế bảo vệ danh dự, tính mạng cá nhân và gia đình những tấm gương dũng cảm tố giác, phát hiện. Chú trọng, cổ vũ, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tích cực tham gia công tác này. Tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông những tấm gương để rút ra những kinh nghiệm thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền coi trọng giáo dục tinh thần liêm, chính cho cán bộ, đảng viên. Trong thời kỳ mở cửa, tiến hànhnền kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền luôn đứng trước những cám dỗ như một nhà văn nổi tiếng đã nói “Bị hơi lạnh của tiền truyền qua người”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức trong công vụ. Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỷ, danh dự, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng. Do vậy, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải luôn giữ mình, liêm, chính, học tập phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư của Bác Hồ. Đồng thời, phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác như “đi trên băng mỏng”,như “đứng trước vực sâu” mới có thể vượt qua được sự cám dỗ vật chất tầm thường.

Bốn là, các cơ quan báo chí phát huy sức mạnh của truyền thông, đăng kịp thời các tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, với tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật”, cũng cần nêu những hạn chế của cuộc đấu tranh này để rút kinh nghiệm tiếp tục đấu tranh có hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác gây hoang mang dao động. Các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí trước và sau xét xử. Việc tuyên truyền cuộc đấu tranhg này phải bảo đảm tính kịp thời, minh bạch theo lời dạy của Lênin: Tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta. Thực hiện tốt điều đó để huy động tạo sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong cuộc đấu tranh này. Thực tế cho thấy, cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng để nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả vào cuộc đấu tranh đầy cam go này, góp phần xây dựng cơ chế phòng ngừa; trừng trị, răn đe; bảo đảm để thực hiện phương châm: Không thể, không dám, không cần tham nhũng đối với cán bộ, đảng viên, công chức ở các cấp.

Năm là, đây là lĩnh vực có hệ lụy đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ nên đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức đảng chủ động coi trọng giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức mà còn phải hết sức coi trọng về mặt hành động, vừa kiên quyết xử lý trên tinh thần “đúng người, đúng tội” để có thể phải “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” như thông điệp của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm. Chúng ta đều biết khi xử lý đồng chí của mình là một việc đầy khó khăn, nhạy cảm như ông cha ta đã dạy: Việc với nước là việc lớn, nhưng việc giữa người với người là việc không nhỏ… Nhưng vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ các cấp ủy đảng, chính quyền cũng phải kiên quyết thực hiện theo pháp luật, theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có đặc quyền”. Đồng thời, cũng có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo và khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác.

Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Huy động sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh này như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng vạn, hàng triệu con người mất… cử tri cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(5).

Bảy là, tăng cường tuyên truyền công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng và trao đổi kinh nghiệm với một số nước trong khu vực và trên thế giới để vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam cho phù hợp, hiệu quả, như: Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, liên Bang Nga và một số nước khác có nhiều kinh nghiệm.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, sẽ ngăn chặn và từng bước đẩy lùi để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

_________________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.306-307.

(2) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng”, Báo Nhân dân, ngày 26-6-2018.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.52.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.185.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.419.