Năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh

Ngày 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

20/12/2019 13:31

Ngày 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có thêm những bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

PCTN là nhiệm vụ trọng tâm

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nghiêm túc, khẩn trương thi hành Luật PCTN, Luật tố cáo, Luật thi hành án Hình sự..., tăng cường bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; định kỳ đánh giá tình hình, kết quả công tác và việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN.

Trong năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh. Trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, nhiều văn bản pháp luật đã được xây dựng, ban hành, hoàn thiện kịp thời, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đơn giản hoá điều kiện kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh; tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước; tổ chức giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông... Kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 cho thấy: Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước đạt 82,99%.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ: Năm 2019, có 30 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, có 03 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và các biện pháp tăng cường phòng, chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.

Nhìn chung, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2020

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2020, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp như đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội, trọng tâm là triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về PCTN; tổ chức thi hành Luật PCTN năm 2018; Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện; tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng.

Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là đối với việc thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN.

PCTN- khó nhưng không phải không làm được

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh đánh giá cao việc nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và đưa ra truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đó là vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu đôla Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Phải nói rằng việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được” – đại biểu đoàn Nam Định nói đồng thời viện dẫn vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng bọn - trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Sau đó được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó. Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện.

Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để. Đồng thời dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác? Chúng tôi đề nghị trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn 2 của vụ án này để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng - đoàn Thái Nguyên, theo báo cáo của Chính phủ có thể thấy rằng tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua tuy không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng theo tôi, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách phòng, chống tham nhũng, bảo vệ công lý. Đây là vấn đề tôi thấy Ủy ban Tư pháp đã nêu trong nhiều năm nhưng tình hình không có chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ. Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, phạm tội, nhất là nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin của người dân với các cơ quan phòng, chống tham nhũng.