Mở rộng nghĩa vụ kê khai tài sản để "đánh vào gốc rễ" tham nhũng?
07/09/2018 14:15
Người đồng tình thu hẹp, vị khác cho rằng cần mở rộng, quy định về đối tượng và nghĩa vụ kê khai tài sản khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng tiếp tục gây tranh cãi tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6/9.
Khoản 1 điều 34 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập: người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Điều 35 quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập gồm:
1. Cán bộ, công chức.
2. Sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân.
3. Người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.
Theo đại biểu Đinh Duy Vượt thì quy định về đối tượng kê khai tài sản thu nhập là mấu chốt về kiểm soát tài sản. Nhiều năm năm nào chúng ta cũng kê khai nhưng không giải quyết được vấn đề gì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Vượt nhận xét.
Tuy nhiên, ông Vượt cho rằng quy định về nghĩa vụ phải kê khai tài sản như điều 34 là thu hẹp, như vậy chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng và nhân dân vẫn hoài nghi, tâm tư vào chiến dịch, phong trào diệt "giặc nội xâm" này. Theo ý kiến cử tri thì phải mở rộng kê khai đến cha, mẹ, con ruột, ông, bà nội, ông Vượt phản ánh.
Lý do phải mở rộng, theo vị đại biểu này là thực tiễn đã có nhiều minh chứng khiến dư luận dậy sóng. Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành có những biệt phủ, xe sang được cho là của thái tử, của phò mã, cậu ấm, cô chiêu, dù trẻ nhưng có những tài sản khủng, bất chấp thách thức dư luận.
Lý do tiếp theo là qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản do tham nhũng có được tẩu tán cho bố, mẹ, người thân đứng tên, như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh và nhiều vụ án khác, bởi vì tư tưởng hy sinh đời bố, củng cố đời con. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân, mặc dù các ngành tư pháp đã rất quyết liệt nhưng tỷ lệ thu hồi, tiền tham nhũng, thất thoát còn thấp. Tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa, ẩn mình như ma trận, sân trước, sân sau, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hoá, rửa tiền...ông Vượt phân tích.
"Theo ý kiến của nhân dân, cha, mẹ, ông, bà, vợ, chồng, con cái ruột thịt đều phải kê khai, nếu chúng ta lo ngại băn khoăn quyền này, quyền kia của công dân rồi cho rằng đủ tuổi thanh niên thì tự chịu trách nhiệm thì không đánh vào gốc rễ của tham nhũng được", ông Vượt nhấn mạnh.
Không phủ nhận thực tế đại biểu Vượt nêu, song một số ý kiến khác cho rằng mở rộng khó khả thi, cũng không hợp tình, hợp lý.
"Tôi thấy thực trạng anh Vượt đưa ra là có, có trường hợp con cán bộ chưa đi làm gì nhưng có khối tài sản khổng lồ, việc này dư luận rất băn khoăn, bàn tán", đại biểu Tô Văn Tám phát biểu.
Tuy nhiên, theo ông Tám thì làm luật phải có tính khả thi, mặc dù mở rộng đối tượng thì có thể đáp ứng được một phần tâm lý của người dân nhưng tính khả thi của luật không có lại rơi vào hình thức.
Nếu bắt buộc con cái chưa thành niên hoặc bố, mẹ phải kê khai thì lại phải bắt họ giải trình tài sản. Họ nói không phải do con cho mà giải trình không được thì xử lý họ thế nào? ông Tám đặt vấn đề.
Băn khoăn về sự phù hợp với quy định của pháp luật khi mở rộng diện bắt buộc phải kê khai tài sản, thu nhập, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng thể hiện như dự thảo luật rất thỏa đáng,.
Trong trường hợp phải kê khai cả bố, mẹ và con đã thành niên, kê khai lần đầu thì có thể được, nhưng có kê khai những năm tiếp theo, hay trong quá trình biến động thì những đối tượng này có phải kê khai hay không. Bố, mẹ ở quê, con cái đi công tác thì làm sao biết được tăng thêm hay giảm đi, ông Sinh phân vân.
Đặc biệt, ông Sinh lo ngại, trong trường hợp khi cơ quan quản lý về tài sản, thu nhập phát hiện được những đối tượng trên kê khai không trung thực mà khởi kiện ra tòa thì có thu hồi được tài sản của những người này hay không, vì đây là tài sản của công dân.
Nếu không giải quyết được những vấn đề như vậy thì có cần thiết phải mở rộng đến đối tượng là bố mẹ hay con đã thành niên không thuộc diện phải kê khai tài sản như cán bộ công chức?. Chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng thu hồi tài sản bằng cả hệ thống pháp luật chứ nếu dựa vào mỗi Luật Phòng, chống tham nhũng này để xử lý triệt để từ việc phòng, chống, thu hồi, khắc phục hậu quả sẽ rất khó khả thi, không phù hợp, ông Sinh nói.
Dẫn thông tin từ báo cáo của Ủy ban Tư pháp là hiện có tới 1,1 triệu bản kê khai tài sản của những đối tượng thuộc diện phải kê khai, ông Sinh nhấn mạnh nếu mở rộng cả bố, mẹ và con thành niên thì số lượng mà cơ quan kiểm soát thu nhập phải đi thẩm tra xác minh "gần như cả họ nhà người ta thì điều đó rất khó".