Luật Đăng ký tài sản có ngăn được tài sản tham nhũng “ẩn nấp”?
18/01/2021 07:57
Theo đề xuất của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nếu có luật đăng ký tài sản sẽ góp phần ngăn chặn việc tẩu tán, ẩn nấp của tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, phát sinh thêm các quy định về đăng ký tài sản cần được cân nhắc, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để không gây phiền hà, tăng thêm thủ tục với người dân.
Ngăn chặn việc tẩu tán tài sản?
Liên quan tới vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, tại phiên họp 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, để thu hồi được tài sản tham nhũng cần có nhiều biện pháp.
Trong đó, ông nêu đề xuất cần ban hành Luật Đăng ký tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng. Luật đăng ký tài sản sẽ là công cụ kèm theo, tăng cường minh bạch và chứng minh tài sản, thúc đẩy thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn. Nếu có luật này, người đăng ký tài sản mà không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Điều này có thể ngăn chặn tài sản bị tẩu tán từ những đối tượng tham nhũng.
Trao đổi với PV, Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc này liên quan tới kiểm soát thu nhập, tài sản của công dân. Theo ông Xuyền, đăng ký tài sản nghĩa là thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, nếu thực hiện việc này thì người dân được bảo vệ quyền sở hữu tài sản của họ nếu xảy ra tranh chấp. Bởi thực tế, có nhiều người có những tài sản lớn, nhưng không rõ nguồn gốc, mà luật hiện hành thì chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh, vì vậy rất khó trong việc truy nguồn gốc tài sản. “Điều này nảy sinh ra vấn đề, nếu tài sản đó hình thành từ việc làm không hợp pháp (rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu, ma túy…) được các đối tượng “đổ” vào bất động sản, trang sức thì lại trở thành hợp pháp. Đây là kẽ hở để cho nhiều kẻ tìm cách “lách”, khiến cho cơ quan chức năng rất khó xử lý những tài sản bất minh”, ông Xuyền nêu ví dụ.
Cùng quan điểm, Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, cho rằng, đăng ký tài sản là ghi nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, Nhà nước sẽ phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản đó cho công dân. “Khi đăng ký tài sản cũng chính là đăng ký quyền bảo hộ, bảo vệ cho tài sản cũng như chủ sở hữu khối tài sản đó. Việc này mang lại lợi ích kép, vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho tài sản cũng như chủ sở hữu tài sản”, ông Phương nêu ý kiến.
Theo ông Phương, việc đăng ký tài sản còn góp phần rất lớn trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Việc đăng ký tài sản còn có ý nghĩa ngăn chặn hoạt động “rửa” tiền. Nếu thực hiện các quy định này có thể ngăn chặn việc người thực hiện hành vi phạm pháp để có tiền rồi sau đó chuyển tiền cho người khác, từ đó chuyển hoá tiền này thành “tiền sạch”.
“Trong công tác phòng chống tham nhũng, khi đã có quy định đăng ký tài sản, người đăng ký tài sản mới sẽ phải chứng minh được nguồn gốc. Nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị điều tra hoặc bị tịch thu, xử lý. Nếu làm được như vậy thì không còn đất cho tài sản tham nhũng “cất giấu”, kể cả theo các hình thức sang tên, chuyển nhượng” - ông Phương nói.
Cân nhắc kỹ để không vi phạm quyền sở hữu tài sản cá nhân
Để làm rõ hơn, phóng viên đã đặt vấn đề về việc nếu bắt buộc phải đăng ký tài sản thì có vi phạm các quy định về quyền sở hữu tài sản không? Ông Phương cho rằng, hiện nay đang có những vướng mắc trong các quy định có liên quan nên chưa triển khai được luật trên. Tuy nhiên, theo ông Phương, quyền bảo hộ tài sản của công dân cần phải được hiểu cho đúng. Đó là, tài sản của công dân muốn được pháp luật bảo hộ, tài sản đó phải hợp pháp. Pháp luật không bảo hộ cho những tài sản bất hợp pháp.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền phân tích, đăng ký tài sản không có nghĩa là vi phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, bởi khi đăng ký nếu là tài sản hình thành hợp pháp thì công dân sẽ được bảo vệ bí mật và nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, PGS-TS Trần Văn Độ - Nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ, đánh giá tác động toàn diện với đề xuất về Luật Đăng ký tài sản. Bởi trên thực tế, hiện nay những tài sản có giá trị như nhà, xe… đề đã phải có giấy đăng ký như đăng ký xe máy, đăng ký xe ôtô, sổ đỏ, sổ hồng… Bản chất đó chính là đăng ký tài sản. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức thì còn phải kê khai tài sản. Pháp luật cũng đã có các quy định liên quan về phòng chống tham nhũng. Do vậy, cần thực hiện tốt các quy định hiện tại để quản lý cho tốt.
“Còn nếu thực hiện như đề xuất về Luật Đăng ký tài sản phải cân nhắc rất kỹ. Bởi tài sản hợp pháp của công dân đã được pháp luật bảo hộ. Chúng ta có thêm quy định để quản lý nhưng cũng không được gây thêm thủ tục hành chính, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp” - PGS-TS Trần Văn Độ nói và lưu ý có rất nhiều hoạt động, giao dịch dân sự hằng ngày diễn ra.
Đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc vốn đối ứng, luân chuyển dòng tiền, tài sản diễn ra thường xuyên. Vậy thì việc này có gây khó cho người dân, doanh nghiệp không.