Không để cán bộ nhũng nhiễu, doanh nghiệp “dắt mũi” cơ quan Nhà nước

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, pháp luật và hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực tư cần bảo đảm không để cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng không để DN “dắt mũi” cơ quan Nhà nước…

03/10/2018 10:47

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, pháp luật và hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực tư cần bảo đảm không để cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng không để DN “dắt mũi” cơ quan Nhà nước…

Ngày 27/9, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước và một số kiến nghị cho Việt Nam.

Tránh lạm quyền, gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp

Bày tỏ quan điểm cần thiết PCTN trong khu vực tư, theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, quan điểm truyền thống tham nhũng chỉ tồn tại trong khu vực công đã không còn phù hợp.

“Những quan ngại cho rằng, quy định về chống tham nhũng, trong đó có tội phạm khu vực tư sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tự chủ, tự do kinh doanh và kinh doanh hiệu quả của các tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước là không có cơ sở”, ông Độ nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Liên đoàn Luật sư Việt Nam còn chỉ ra thực tế, tình trạng đưa - nhận hối lộ, “móc nối” giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản công đang là vấn đề nóng. Điều này, không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cho nên, theo Luật sư, mở rộng PCTN sang khu vực ngoài Nhà nước là cần thiết. Song, đây là vấn đề mới, phức tạp nên cần làm từng bước, đánh giá, nghiên cứu hết sức thận trọng để tránh sai lầm, cản trở quyền tự chủ, tự do kinh doanh của DN.

Vậy phạm vi, giới hạn quản lý Nhà nước đối với khu vực này như thế nào? Từ kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới, bà Đào Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật công cho rằng, thiết kế các quy định về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước cần tiếp cận đa chiều, điều chỉnh vừa phải, phù hợp, trên cơ sở quy mô của DN, tổ chức, và mức độ ảnh hưởng của loại hình DN.

“Cụ thể là tạo cơ chế cho hoạt động PCTN của các tổ chức, DN được thực hiện một cách tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động và tích cực”, bà Thu nói và lưu ý, tránh nguy cơ lạm quyền, gây áp lực tiêu cực tới sự phát triển của các tổ chức, DN khu vực tư.

Chung quan điểm, ông Trần Văn Độ cho biết, đặc điểm của khu vực ngoài Nhà nước ở Việt Nam là tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Lợi ích mà tội phạm tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước xâm phạm thuộc lợi ích tư, nhưng cũng xâm phạm đến quyền con người, trật tự pháp luật, hiệu lực quản lý Nhà nước nên cần được pháp luật bảo vệ.

“Tăng cường quản lý Nhà nước để PCTN là cần thiết nhưng cũng cần chống nguy cơ lạm quyền, gây áp lực lên các DN, ảnh hưởng đến sự phát triển chủ động, tích cực, sáng tạo, cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng của các DN”, ông Độ nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước trước hết phải tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, biện pháp chống thì hạn chế. Đi cùng với đó, hoàn thiện pháp luật về quản lý DN như, Luật DN, Luật Đầu tư, các luật xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp…

Nhất thiết phải loại bỏ cơ chế xin-cho

Phân tích rõ hơn, nguyên Chánh án TAND Tối cao nói, tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước tồn tại trong 3 mối quan hệ. Đó là, giữa Nhà nước với DN, giữa DN với DN và quan hệ nội bộ DN. PCTN khu vực này sẽ vững chắc, hiệu quả nếu được đứng trên 3 chân đó.

“Có nghĩa, không để cơ quan quản lý, cán bộ công chức nhũng nhiễu DN, đồng thời cũng không để DN “dắt mũi” cơ quan, DN Nhà nước; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, không tạo lợi thế cho DN này hay DN khác; tăng cường kiểm soát nội bộ và quản lý DN, xây dựng môi trường liêm chính trong nội bộ DN”, PGS.TS Độ lưu ý.

Từ đó, ông Độ kiến nghị, phải xóa bỏ các giấy phép, điều kiện thành lập, kinh doanh không cần thiết, xác định phạm vi thanh tra, kiểm tra hợp lý đối với DN; không tạo cơ chế xin cho, đảm bảo tự chủ cho DN, phòng ngừa sự can thiệp tránh pháp luật, nhũng nhiễu của công chức trong hoạt động của DN.

Đi cùng với đó, là loại bỏ tình trạng bôi trơn, chống lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, nhận hối lộ của cán bộ, công chức đối với khu vực ngoài Nhà nước. Và có những giải pháp quản lý, điều hành để lãnh đạo các DN không “bắt tay” nhau sau lưng các cổ đông, thành viên DN để trục lợi cá nhân…

Nhấn mạnh nhất thiết phải loại bỏ cơ chế xin - cho trong hoạch định chính sách, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp lưu ý, câu chuyện DN “sân sau”. Nếu xảy ra tham nhũng ở khu vực tư thì không tách rời khu vực công.

Cũng theo ông Quyền, sửa đổi Luật PCTN lần này phải thiết lập các cơ chế công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn…

Các chuyên gia nhấn mạnh, trong môi trường kinh doanh cạnh tranh một cách bình đẳng, minh bạch, khi các quyết định được đưa ra một cách công khai, nhất quán, sẽ không có nhiều DN có ý định hối lộ, đi “cửa sau” để có được hợp đồng kinh doanh.

PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước chính là để hoạt động của DN được điều chỉnh bởi những nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhất quán trong các luật, cùng với những biện pháp tăng cường quản lý Nhà nước, xử lý vi phạm, tội phạm, kiểm soát nội bộ và quản trị DN song hành.