Giảm tần suất thanh tra- kiểm tra, DN bớt gánh nặng
19/12/2016 15:38
Việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động của DN là điều cần thiết, tuy nhiên phải làm sao để tránh phiền hà cho DN, tránh gây bức xúc cho DN. Đây là điều mà DN nào cũng mong mỏi dù thực trạng mới chỉ cải thiện ở một vài lĩnh vực.
DN vẫn “phiền não”
Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn T., Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Th.T. cho hay, hàng năm, DN vẫn phải tiếp tới hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra, hết Đội Quản lý thị trường, đội kiểm tra hàng hóa, trang thiết bị… cho đến kiểm tra an toàn thực phẩm. Điều này đã gây khá nhiều phiền hà và tốn nhiều chi phí “không chính thức” cho DN. Đồng quan điểm, đại diện một công ty may mặc tại Hà Nội cho biết, việc thanh kiểm tra thường tập trung nhiều vào thời gian giữa năm, nhưng có những lúc, trong 1 tuần, DN phải tiếp tới 3 đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội và thanh tra liên ngành. Với tần suất nhiều như vậy thì DN không còn thời gian để sản xuất và kinh doanh. Hơn nữa, vị này còn cho biết, các nội dung thanh kiểm tra có khi còn trùng nhau và kéo dài.
Chính vì thế, trước nhiều cuộc đối thoại với chính quyền địa phương, Chính phủ, không ít DN đã nêu nhiều bức xúc về việc thanh tra, kiểm tra DN với mức độ khá dày, khiến DN phải tốn nhiều thời gian, thậm chí thêm khoản chi phí “lót tay” để các đoàn kiểm tra kết thúc công việc sớm, không gây phiền hà. Cá biệt có những DN “chịu không nổi” phải gửi thư, gửi công văn lên cấp trên để “kêu cứu”.
Nhận xét về tình trạng trên của DN, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho hay, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết 19 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ DN đến năm 2020, tình hình thanh tra, kiểm tra DN đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, để thực sự tạo thuận lợi cho DN, công tác thanh tra, kiểm tra phải được cải thiện nhiều hơn nữa. “Hiện khâu quản lý của Nhà nước vẫn chưa thực sự hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra DN, vì thế, hoạt động này vẫn diễn ra với số lượng nhiều, chồng chéo, nhiều đoàn kiểm tra nhưng chỉ có một nội dung… gây mất thời gian và chi phí của DN. Hơn nữa, chủ trương bây giờ là hậu kiểm, nhưng trong quá trình kinh doanh, nhiều DN hoạt động bình thường vẫn bị kiểm tra. Đây là một trong những cản trở gây ảnh hưởng đến sự phát triển của DN”, ông Mạc Quốc Anh nhận xét.
Cần cải thiện
Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp, cùng thống nhất để đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với DN 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho DN biết (trừ trường hợp đặc biệt phát hiện DN vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật).
Trước chỉ đạo này, các DN đều tỏ ra hoan nghênh và ủng hộ, nhưng trên hết là mong muốn chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được thực thi rõ nét ở cơ sở, bởi hiện nay tình trạng chỉ thị bên trên một đằng, cấp dưới thực hiện một nẻo vẫn diễn ra. Các vấn đề về thuế, tài chính và kiểm toán, DN đã tỏ sự tin tưởng và lạc quan hơn vào sự đổi thay. Theo ông Nguyễn Văn T., các thủ tục, giấy tờ liên quan đến thuế đã được thực hiện qua điện tử nên các cơ quan quản lý có thể kiểm soát luôn khi DN thực hiện. Do đó, việc thanh kiểm tra về thuế, tài chính đã không còn. Hiện DN chỉ phải thực hiện kiểm toán 1 lần/năm. Cũng về vấn đề này, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần may Hồ Gươm cho biết, các hoạt động thanh kiểm tra về tài chính đã được hạn chế rất nhiều và không gây phiền hà cho DN. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra phải lên kế hoạch trước để tạo điều kiện cho DN bố trí và chuẩn bị nhân sự tiếp đón.
Mặc dù vậy, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra chỉ nên thực hiện với những DN có nghi vấn hoặc đã từng có “tiền án” trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, việc thanh kiểm tra cũng nên thực hiện nhiều hơn đối với các DN có quy mô lớn, doanh số cao và xuất hiện những “dòng tiền” đáng nghi vấn. Còn đối với những DN có doanh thu dưới 10 tỷ đồng, quy mô nhỏ và siêu nhỏ thì nên có sự chọn lọc cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính đã khá “eo hẹp” của DN.
Đối với những lĩnh vực kiểm tra khác, các DN đều mong muốn số lượng được giảm bớt, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm. Hơn nữa, ông Mạc Quốc Anh mong muốn, các lực lượng kiểm tra nên chọn những DN có dấu hiệu vi phạm, hoặc thanh tra đột xuất về những vấn đề nổi cộm trong xã hội như: An toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, kinh doanh đa cấp…, không nhất thiết phải là con số bao nhiêu lần một năm.
Có thể thấy, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động DN là điều cần thiết, nhưng phải luôn xác định việc tạo môi trường thuận lợi cho DN là điều trên hết. Vì thế, các cơ quan, đơn vị thực thi nhiệm vụ cần xác định mục tiêu phát triển kinh tế chung làm tôn chỉ để có phương thức làm việc, thời gian làm việc hợp lý, giúp DN thêm lòng tin vào sự điều hành của Nhà nước và có thêm niềm tin mở rộng kinh doanh, đầu tư.