Công bố Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
13/12/2018 10:19
Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6. Trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
9 Luật được công bố bao gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Các Luật còn lại có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Tại buổi họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh giới thiệu nội dung cơ bản Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, Luật gồm 10 chương, 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Giới thiệu về những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Phó Tổng Thanh Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Luật mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật này quy định tại Điều 34.
Bên cạnh đó, ngoài các loại tài sản, thu nhập phải kê khai như quy định trước đây, như: Nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Luật mới yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng.
Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Theo Khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập trước ngày 31/12. Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Một điểm mới cũng nhận được sự quan tâm khá nhiều của dư luận đó là, kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc.
Theo Khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.
Cơ quan xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là từng bước mở rộng hoạt động này ra khu vực ngoài nhà nước, kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.
Việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước gồm nhiều nội dung là chương mới, nội dung mới, thể hiện sự nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng chống tham nhũng. Tuy vậy, các quy định này phải đảm bảo tính khả thi.