Còn thiếu đồng đều trong chống tham nhũng

Liên hợp quốc đã chỉ ra, có sự không đồng đều giữa các quốc gia trong phát triển, xây dựng thế chế ở các lĩnh vực: minh bạch, trách nhiệm giải trình, chống tham nhũng, tham gia và không phân biệt đối xử.

03/07/2019 11:05

Liên hợp quốc đã chỉ ra, có sự không đồng đều giữa các quốc gia trong phát triển, xây dựng thế chế ở các lĩnh vực: minh bạch, trách nhiệm giải trình, chống tham nhũng, tham gia và không phân biệt đối xử.

Theo Báo cáo Khu vực công Thế giới năm 2019, do Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc công bố gần đây, mặc dù số lượng lớn luật và sáng kiến đã được các nước trên thế giới áp dụng trong 2 thập kỷ qua để củng cố và cải thiện các thể chế chính phủ, nhưng những tiến bộ về trách nhiệm giải trình, không phân biệt đối xử là không đồng đều, và từ đó nảy sinh các vấn đề mới.

Báo cáo cho biết, tình hình thể chế hiện nay đã có sự thay đổi đáng kể ở một số khu vực, nhiều quốc gia nhanh chóng chuyển sang phát triển hệ thống dữ liệu chính phủ mở và triển khai các sáng kiến chống tham nhũng quốc gia.

Tính đến năm 2018, 139 quốc gia đã triển khai các sáng kiến về dữ liệu chính phủ mở để cung cấp thông tin, dữ liệu cho người dân thông qua cổng thông tin điện tử trung tâm (trong khi năm 2014 mới chỉ có 46 quốc gia). Và kể từ năm 2015, ít nhất 21 nước đã thông qua luật chống tham nhũng quốc gia, 39 nước thông qua chiến lược chống tham nhũng quốc gia và 14 nước đã thành lập các cơ quan chống tham nhũng mới.

Nhưng bên cạnh những con số đáng ghi nhận đó vẫn còn những thất bại, đi ngược tiến trình. Còn tồn tại phân biệt đối xử, nhóm dân tộc thiểu số vẫn còn phải chịu thiệt thòi ở nhiều quốc gia và khoảng cách giới còn phổ biến, chẳng hạn như trong việc đại diện đưa ra các quyết định trong hoạt động công cộng. Hơn 2,5 tỷ phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi luật phân biệt đối xử và thiếu sự bảo vệ pháp lý.

Báo cáo của Liên hợp quốc được công bố trước khi đánh giá những tiến bộ đầu tiên về Mục tiêu số 16 phát triển bền vững về hòa bình, công lý và thể chế tại diễn đàn chính trị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, để có cái nhìn đầy đủ và hiệu quả về thể chế công để phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững.

Nội dung báo cáo tập trung vào tình trạng của các tổ chức công cộng - một chủ đề rộng và phúc tạp, rất khó để đưa thành các giải pháp đơn giản.

Báo cáo cũng đánh giá những sự phát triển gần đây trong các lĩnh vực minh bạch, trách nhiệm giải trình, chống tham nhũng, tham gia và không phân biệt đối xử - tất cả các nguyên tắc chính được nêu ra trong Mục tiêu số 16, nhằm mục đích thúc đẩy xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, cung cấp quyền tiếp cận tư pháp cho tất cả mọi người và xây dựng thể chế hiệu quả, trách nhiệm và toàn diện ở tất cả các cấp.

Theo báo cáo, sự thay đổi thể chế trong một số lĩnh vực đã được tiến hành, tuy chậm nhưng đều đặn. Trong năm 2017, 118 quốc gia đã áp dụng luật hoặc chính sách về quyền tiếp cận thông tin và hơn 40 quốc gia đang trong quá trình áp dụng các luật như vậy. Đồng thời, các tiêu chuẩn mới về minh bạch tài chính và các kênh cho phép người dân trực tiếp tham gia vào việc quyết định đang được thông qua.

Sự tham gia ở cấp địa phương có một quá trình lịch sử lâu dài, hiện được thực thi ở hàng nghìn thành phố trên toàn cầu, trong khi sự tham gia vào việc ra quyết định ở các cấp chính quyền cao hơn hiện vẫn đang trong quá trình phát triển.

Những thay đổi về chính trị, xã hội và công nghệ đang thúc đẩy các xu hướng này. Đặc biệt, giảm đáng kể chi phí sản xuất và phổ biến thông tin đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào dữ liệu chính phủ mở. Internet cũng đã cho phép áp dụng gần như toàn cầu các hoạt động của chính phủ điện tử, cũng như chia sẻ thông tin về các hoạt động tham nhũng, các thất thoát...

Về trách nhiệm giải trình, sự giám sát chính thức của chính phủ vẫn không đồng đều và trong một số trường hợp, bị hạn chế nghiêm trọng. Ví dụ, trong số 115 quốc gia tham gia Khảo sát về Dự thảo Ngân sách mở 2017, chỉ có 29 quốc gia có cơ quan lập pháp thảo luận và thông qua các khuyến nghị chính sách quan trọng trước khi lập dự thảo ngân sách.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tham nhũng vẫn còn là một vấn đề ở tất cả các cấp độ phát triển của các quốc gia, mặc dù hầu hết các quốc gia hiện có cơ sở hạ tầng chống tham nhũng được phát triển tốt. Nhìn chung, có rất ít bằng chứng về các trường hợp kiểm soát tham nhũng thành công và ít ai biết về hiệu quả của các cải cách chống tham nhũng,

Trong số các phát triển ít được biến đến, báo cáo nhấn mạnh vai trò của các tổ chức kiểm toán tối cao - tổ chức giám sát bên ngoài cấp cao nhất phụ trách việc kiểm toán các báo cáo tài chính và đánh giá sự tuân thủ, tính hiệu quả. Ngoài kiểm toán ngân sách (công việc mà họ được biết đến nhiều nhất), các tổ chức này là những tác nhân quan trọng của hệ thống trách nhiệm giải trình quốc gia.

Họ đóng vai trò quan trọng và hiệu quả trong việc chống tham nhũng. Họ cung cấp những cái nhìn sâu sắc, mang tính chìa khóa về hiệu quả của các chương trình, kế hoạch và các tổ chức công. Nhiều tổ chức kiểm toán đã tham gia đánh giá các nỗ lực của chính phủ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cụ thể, hơn 70 tổ chức kiểm toán tối cao trên toàn cầu đã tiến hành kiểm toán về sự sẵn sàng để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh rộng hơn của việc xem xét tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, cần nhiều công việc hơn để đưa ra đánh giá toàn cầu về sự phát triển trong lĩnh vực thể chế, đặc biệt là xác định kết quả và tác động rộng lớn của các cải cách và quy trình thực hiện.

Ở cấp quốc gia, tận dụng tối đa thông tin đến từ các quy trình thể chế hiện có, bao gồm cải cách hệ thống tư pháp, báo cáo theo các điều ước quốc tế, giám sát nội bộ của các cơ quan chính phủ và báo cáo của các cơ quan giám sát, có thể là một cách để xây dựng hệ thống thông tin để bắt đầu cung cấp câu trả lời cho những vấn đề này.