Chống tham nhũng: Ngăn chặn ‘vòi thông nhau’ công - tư

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư cũng chính là để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công.

30/07/2020 08:03

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư cũng chính là để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công.

Ngày 28-7, Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo đánh giá và hướng dẫn doanh nghiệp (DN), tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Mở rộng PCTN sang khu vực tư

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhận định nạn tham nhũng ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư. Tham nhũng đang trở thành một vấn nạn và thách thức đối với DN hoạt động kinh doanh. Từ đó, một yêu cầu tất yếu đặt ra là PCTN trong khu vực tư.

“Xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCTN, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh PCTN, ngày 20-11-2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018” - ông Liêm thông tin tới các đại biểu trong và ngoài nước.

Một trong những nội dung mới của luật và nghị định trên được dư luận rất quan tâm là đã mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, đề cập tới nỗ lực chung của cả Chính phủ, cộng đồng DN, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ quốc tế, báo chí và toàn xã hội trong công tác PCTN.

“Với nỗ lực này, chúng ta có thể tin tưởng rằng tham nhũng sẽ được đẩy lùi, các thực hành kinh doanh có trách nhiệm, minh bạch và liêm chính sẽ được thúc đẩy” - ông Vinh nói.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, hoan nghênh Việt Nam mở rộng phạm vi của Luật PCTN ra khu vực ngoài nhà nước. “Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong PCTN trên tất cả lĩnh vực nhằm thực hiện các yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, mà Việt Nam phê chuẩn năm 2009. Song việc thực thi luật đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của chính phủ mà cả của các DN” - bà Sitara Syed nhấn mạnh.

UNDP cũng đưa ra các nghiên cứu kinh nghiệm từ nhiều nước khác trong việc triển khai hiệu quả các quy định pháp luật và hướng dẫn thi hành. Báo cáo cũng đề xuất, hướng dẫn các DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thi hành các quy định của pháp luật về PCTN, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Cần chặt đứt vòi thông nhau công - tư

Theo báo cáo đánh giá về PCTN của các chuyên gia tại buổi hội thảo, trong điều kiện hiện nay, sự kết nối các mối quan hệ công - tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen lẫn nhau. Nhiều chuyên gia ví khu vực công - tư như “bình thông nhau”, bởi trong nhiều trường hợp, khu vực tư chính là nơi trú ẩn, rửa tiền, là “sân sau” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công.

Bởi vậy, việc PCTN sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực tư và PCTN trong khu vực tư cũng chính là để PCTN trong khu vực công.

Thực tế, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa DN với khu vực nhà nước mà giữa các DN với nhau cũng xảy ra. Hay như chính nội bộ của DN, một số người nắm giữ quyền hạn trong việc quản lý tiền và tài sản của DN lợi dụng quyền hạn được giao đã chiếm đoạt tài sản đó.

Báo cáo cho rằng tham nhũng trong khu vực tư sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của DN, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế.

Từ đó, bản báo cáo nhấn mạnh: “Để PCTN có hiệu quả, nhất định phải làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động, kinh doanh của khu vực tư”.