Chống tham nhũng không “chùng xuống” mà có bước tiến mạnh mẽ
09/09/2020 16:24
Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ.
Sáng ngày 7/9, Uỷ ban Tư pháp họp phiên thường trực mở rộng để thẩm tra sơ bộ Báo cáo Công tác PCTN năm 2020 của Chính phủ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp. Cùng dự có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan.
81 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác PCTN năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn.
Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 34% so với năm 2019).
Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, PCTN được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 5.528 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 88 đơn vị vi phạm (tăng 39,7% so với năm 2019).
Đáng chú ý, có 81 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019), trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh. Các cơ quan chức năng đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai ngay các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.
Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, bỏ lọt tội phạm được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
“Công tác PCTN không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước”, báo cáo khái quát.
Chính phủ đánh giá, những kết quả đạt được góp phần quan trọng giữ vững ổn định, chính trị, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, làm trong sạch bộ máy và hỗ trợ, phục vụ tốt cho công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tham nhũng vẫn phức tạp và tinh vi hơn
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất với nhận định “tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”. Vì bên cạnh triển khai khá đồng bộ các biện pháp phòng ngừa thì dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.
“Công tác thanh tra, kiểm toán cũng tiếp tục được chú trọng, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng như các dự án đầu tư lớn, quản lý sử dụng đất đai, quản lý vốn Nhà nước…”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến nghiên cứu ban đầu.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để tham nhũng, thậm chí có nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia.
Vì vậy, có đại biểu cho rằng, phải tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao…
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; đồng thời gửi lấy ý kiến các thành viên Ủy ban.
Theo báo cáo, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 150.560 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỷ đồng, 7.077ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỷ đồng và trên 1.174ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 38.544 tỷ đồng, 5.903ha đất.
Cùng với đó, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.156 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành trên 89.915 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 6.423 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng.
Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp cũng đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5%. Qua đó, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.
“Công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách... nhưng xác định hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn gặp khó khăn, do hoạt động thanh tra, giải quyết tố cáo khó có cơ sở, chứng cứ chứng minh hành vi yếu tố vụ lợi, chỉ khi chuyển cơ quan điều tra, áp dụng các biện pháp tố tụng mới làm rõ được”, báo cáo nêu.