Báo chí chống tham nhũng chính là chống nội xâm

Tương lai, vận mệnh của đất nước sẽ bị đe dọa nếu cuộc chiến chống “giặc” tham nhũng không làm đến nơi đến chốn. Báo chí chống tham nhũng chính là chống nội xâm.

24/03/2017 17:16

Tương lai, vận mệnh của đất nước sẽ bị đe dọa nếu cuộc chiến chống “giặc” tham nhũng không làm đến nơi đến chốn. Báo chí chống tham nhũng chính là chống nội xâm.

Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khi thăm báo Thanh niên chiều nay.

Tại buổi làm việc, nhiều PV, BTV của báo đề nghị MTTQ Việt Nam, Hội nhà báo kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách trong cung cấp thông tin.

Nếu báo chí không được cung cấp thông tin chính thống buộc phải lấy thông tin từ bên ngoài dẫn đến câu chuyện hỗn loạt thông tin báo chí.

Trong lĩnh vực chống tham nhũng, nếu còn những rào cản thông tin thì báo chí không có những nguồn tin để chống tham nhũng.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, mặc dù luật Báo chí đã quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin, tuy nhiên các cơ quan chức năng còn né tránh, đặt phóng viên vào tình trạng rủi ro do tiếp cận những thông tin không chính thống.

Từ thực tế trên, ông Lợi mong các cơ quan quản lý và bảo vệ phát luật phải mạnh mẽ hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí, có cơ chế bảo vệ nguồn tin, bảo vệ các nhà báo.

Nhắc lại khẳng định của ông Nguyễn Thiện Nhân tại Hội báo toàn quốc 2017 rằng báo chí không cô đơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Lợi mong MTTQ Việt Nam hỗ trợ, khích lệ làm chỗ dựa để báo chí phát huy tinh thần trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng – cuộc chiến gay go và quyết liệt nhất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cuộc chiến chống “giặc” tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu không không làm đến nơi đến chốn tương lai đất nước vận mệnh của đất nước sẽ bị đe dọa.

"Trong thời bình, báo chí chống tham nhũng chính là chống nội xâm", ông nhấn mạnh.

Theo đó đối với những vụ việc tiêu cực, tham nhũng nếu báo chí đã nêu liên quan đến địa phương nào thì Mặt trận tại địa phương đó phải có kiến nghị để chính quyền địa phương quan tâm xử lý.

“Nếu chưa chuyển biến thì TƯ MTTQ Việt Nam sẽ có ý kiến kiến nghị địa phương, nếu không chuyển sẽ báo cáo Chính phủ. Những vụ việc kéo dài, phức tạp chưa được được xử lý Mặt trận sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chủ tịch nước”, Chủ tịch MTTQ khẳng định.

Với những kiến nghị của các nhà báo gặp khó trong việc cung cấp thông tin khi cơ quan có trách nhiệm không gặp và từ chối, ông cho biết với chức năng giám sát và phản biện xã hội, trong thời gian tới Mặt trận sẽ có chương trình phối hợp với Chính phủ giám sát việc thực hiện cơ chế trả lời báo chí và cơ chế người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định.

Đối với việc tiếp cận nguồn tin, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới MTTQ Việt Nam sẽ có cuộc làm việc với 5 bộ ngành địa phương trong việc công bố kết quả thanh tra những năm qua. Đây là nguồn tin chính thống báo chí có thể khai thác

Về việc bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông gợi ý Hội nhà báo Việt Nam nên tổ chức tọa đàm chuyên đề, mời các cơ quan liên quan tham gia trong việc bảo vệ nhà báo và người cung cấp thông tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí để kiến nghị với các cơ quan chức năng có những biện pháp hiệu quả hơn.