3 mục tiêu chống tham nhũng trong năm 2020
07/01/2020 12:13
Bước sang năm 2020, dòng suy nghĩ của chúng ta về những hậu quả to lớn mà tham nhũng gây ra vẫn tiếp tục chảy. Tham nhũng ăn mòn những thứ mà chúng ta quan tâm, từ quyền cơ bản của con người cho tới công bằng kinh tế - xã hội, và bảo vệ môi trường.
Trên khắp thế giới, tham nhũng đã trở thành vấn đề nóng bỏng số 1, làm dấy lên các cuộc biểu tình và lật đổ Chính phủ. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo, hãy quan tâm tới việc thực hiện cam kết của mình, bất kể đó là những lời hứa cũ hay các nghị quyết mới mang nhiều ý nghĩa.
Nhằm thắp lên ngọn lửa cảm hứng, nhiệt huyết chống tham nhũng cho các quốc gia, cộng đồng quốc tế và hành tinh của chúng ta, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã đưa ra 3 mục tiêu chống tham nhũng trong năm 2020:
1. Sức mạnh nhân dân làm nên sự thay đổi của các quốc gia
Tham nhũng đã và đang tiếp tục làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới. Nghiên cứu của TI cho thấy, các quốc gia có tỷ lệ tham nhũng khu vực công cao hơn sở hữu thể chế dân chủ yếu hơn. Tại đó, quyền công dân liên quan đến chính trị bị xem nhẹ, như bị tước quyền bầu cử một cách tự do, công bằng; hay bị tước quyền phản kháng, biểu tình.
Nhưng người dân đã không ngồi yên. Họ đã lên tiếng phản đối. Chúng ta đã chứng kiến hình ảnh người dân từ khu vực Arab đến Mỹ Latin xuống đường để thể hiện rõ, sức chịu đựng, sự kiên nhẫn của họ đã quá giới hạn. Họ yêu cầu Chính phủ phải hành động vì lợi ích công.
Chúng ta có thể sẽ thấy, trong năm 2020, các cuộc biểu tình tiếp tục, thậm chí với quy mô và tần suất lớn hơn, nếu như các nhà lãnh đạo chính trị không thực hiện các bước khẩn cấp để xóa bỏ tham nhũng và thay đổi đất nước của họ trở thành một nơi đáng sống cho mọi công dân.
TI nhấn mạnh, tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, người dân có thể tiếp cận các văn phòng đại diện của TI để được tư vấn về các phương pháp đấu tranh chống tham nhũng lâu dài và toàn diện nhằm mục đích củng cố nền dân chủ của họ.
2. Các nền kinh tế tiên tiến chấm dứt sự đồng lõa cho sự tồn tại của tham nhũng ở nước ngoài
Theo TI, chúng ta cần các biện pháp mạnh có thể vượt qua biên giới các quốc gia. Những nước được đánh giá là “tương đối sạch” trong thực tế lại thường cho phép tham nhũng xuyên biên giới bằng cách cho tồn tại các lỗ hổng và không truy tố tội hối lộ ở nước ngoài của các tập đoàn tài chính. Điều này mang lại hậu quả khó lường cho xã hội các nước trên toàn cầu.
Các nhân tố nước ngoài đóng một vai trò lớn trong thúc đẩy và duy trì tham nhũng ở châu Phi, phá vỡ sự phát triển bền vững của khu vực.
Trong năm 2019, TI đã tập trung vào thành viên của các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, trong đó bao gồm cả các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) - nơi đã tạo điều kiện cho tham nhũng lớn và rửa tiền trên khắp các châu lục.
TI cũng giải thích cho lý do tại sao ngay cả các quốc gia có điểm cao nhất về Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) vẫn không thể được tuyên bố là không tham nhũng. Các quốc gia này cần chấm dứt sự đồng lõa của họ cho sự tồn tại của tham nhũng ở nước ngoài. Chấm dứt sự bí mật của các công ty, kiểm soát ngân hàng và các trung gian tài chính dẫn tới những giao dịch “bẩn”, là một trong những ưu tiên hàng đầu cho hoạt động của TI trong năm 2020.
3. Bảo vệ mục tiêu chống biến đổi khí hậu khỏi tham nhũng
Nếu tham nhũng không được kiểm soát, điều này cũng gây ra hậu quả tàn khốc cho môi trường.
Hội nghị lần thứ 25 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha (từ ngày 2 - 13/12/2019) được đánh giá là hội nghị về khí hậu lớn nhất (nhưng cũng ít hiệu quả nhất) năm 2019. Những tác động của tham nhũng đối với khủng hoảng khí hậu còn tiếp diễn, làm trầm trọng thêm hậu quả thảm khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Không quá muộn để thay đổi mọi thứ, nhưng chúng ta chỉ có thể chống biến đổi khí hậu khi bảo đảm các quỹ dành cho khí hậu đến được với những người cần chúng và các chính sách khí hậu được bảo đảm không bị ảnh hưởng bởi tham nhũng.
Năm mới sang với rất nhiều hy vọng, có những cơ hội cho tiến trình chống tham nhũng được tăng tốc và trái lại, cũng có một số xu hướng tiêu cực khiến cuộc chiến gặp khó khăn. TI cam kết sẽ thực hiện tốt nhất phần công việc trong năm 2020, với nhiều hoạt động nghiên cứu, phân tích và vận động cho các giải pháp quốc gia cũng như toàn cầu.