Tận dụng 3 tháng còn lại để thúc đẩy tăng trưởng

Cần tận dụng tốt các dư địa còn lại trong 3 tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tập trung thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, cải thiện cầu và sức mua trong nước, phát triển du lịch và nông nghiệp.

05/10/2016 08:36

Cần tận dụng tốt các dư địa còn lại trong 3 tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tập trung thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, cải thiện cầu và sức mua trong nước, phát triển du lịch và nông nghiệp.

Ngày 4/10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội nước ta trong 9 tháng mặc dù gặp khó khăn nhưng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất, tỉ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; doanh nghiệp (DN) mới thành lập và quay lại hoạt động tăng cao; thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá…

Bên cạnh kết quả quan trọng đạt được, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, xuất nhập khẩu chưa có nhiều cải thiện, tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng còn lớn. Đời sống nhân dân ở các vùng bị thiên tai, vùng bị ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn.

“Phải có nỗ lực cao thì tăng GDP cả năm mới có thể đạt được 6,3-6,5%. Cần tận dụng tốt các dư địa còn lại trong 3 tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, cần thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, cải thiện cầu và sức mua trong nước, phát triển du lịch và nông nghiệp”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Cụ thể, theo Bộ KH&ĐT, giải pháp trước tiên là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát; điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Tăng cường và thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.

Thứ hai, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Chú trọng các chính sách tài chính giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DN Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ ba, khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Tăng cường và thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế.

Thứ tư, tập trung thực hiện đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích nghi với biến đổi khí hậu. Phát triển các loại giống tốt, giống chất lượng; thực hiện các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ. Các bộ, ngành và địa phương cần có các giải pháp trung và dài hạn xử lý vấn đề xâm nhập mặn, vấn đề hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Tập trung phát triển tốt ngành du lịch, đầu tư có trọng điểm dài hạn, có dấu ấn văn hóa... Ngoài ra, cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện…

Triển khai khẩn trương, đồng bộ các giải pháp

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp cơ bản đồng tình về nhận định thực trạng và những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội nêu trên, đồng thời có thêm một số ý kiến bổ sung.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, cần sớm triển khai các giải pháp đề ra ngay từ bây giờ, không để dồn đến cuối năm. Trong đó, đặc biệt phải lưu ý đến phát triển DN, ưu tiên hỗ trợ DN nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao… Ngoài ra, cần điều chỉnh lại cơ cấu chi, trong đó phải giảm tỉ lệ chi thường xuyên so với chi đầu tư phát triển.

Các bộ, ngành cần nỗ lực tối đa trong việc tiết kiệm chi thường xuyên. Ví dụ, Bộ Tài chính vừa qua thực hiện khoán xe công đưa đón lãnh đạo là rất tốt, được dư luận đồng tình. Từ những việc như thế này, cần nhân rộng việc khoán để giảm chi thường xuyên quyết liệt hơn nữa. Ngoài ra, ngành ngân hàng cần cân nhắc nỗ lực tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống nữa để hỗ trợ DN.

Nhấn mạnh về vấn đề ngân sách, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng với mức tăng trưởng dự kiến từ 6,3 đến 6,5% trong năm nay, phải bảo đảm chặt chẽ việc chi ngân sách. Trong đó phải kiên quyết cắt giảm các dự án không cần thiết, nếu không sẽ dẫn đến bội chi.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích: Nhiều bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân vốn đầu tư ngân sách chậm, lý do chính là vướng mắc về thủ tục, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ 9 tháng mới giải ngân chưa đến 39%. Bộ Tài chính khẳng định, vốn không thiếu, nhưng giải ngân chậm tác động đến tăng trưởng. Dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn nếu đẩy mạnh được công tác giải ngân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho rằng, vừa qua đã có sự phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhưng thực tế dư địa chính sách tiền tệ còn lại khá hẹp. Do đó, NHNN đồng tình với quan điểm cần tận dụng các dư địa về những đột phá trong nông nghiệp, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công… để thúc đẩy tăng trưởng.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, dư nợ tín dụng từ đầu năm đã tăng 11%, và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18-20% trong năm nay. Dự kiến, đến cuối năm, NHNN tiếp tục hướng tín dụng vào các ngành ưu tiên.

Ngoài ra, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, điểm đáng khích lệ là 9 tháng qua, cơ quan này đã mua vào 11 tỷ USD. Con số này thể hiện niềm tin của xã hội vào tiền đồng, chuyển dịch lớn từ nắm giữ ngoại tệ sang tiền đồng, là cơ sở để ngân hàng có thể mua ròng ngoại hối, giúp dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ USD. Đây là nguồn lực để NHNN ổn định tỉ giá trong quý IV, khi mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn. Đáng chú ý, lãi suất huy động ổn định và có giảm nhẹ ở một số ngân hàng làm căn cứ giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh việc tăng trưởng, cần cẩn trọng trong kiểm soát lạm phát vào những tháng cuối năm (được dự báo sẽ tăng) do lộ trình tăng giá một số mặt hàng cuối năm. Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn cải cách, đổi mới, tạo sự chuyển động tích cực của bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Qua 3 quý, kinh tế tăng trưởng 5,93%. Theo kịch bản, Bộ KH&ĐT đưa ra, nếu như quý IV năm nay tăng trưởng 7% thì cả năm sẽ tăng trưởng 6,3%. Còn nếu quý IV tăng trưởng 7,7% thì cả năm mới đạt được tăng trưởng 6,5%.