Chỉ là biện pháp bảo hộ tạm thời

Mới đây, Bộ Công Thương ban hành các quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu - những biện pháp hữu hiệu để “giải cứu” cho ngành thép trong nước. Thế nhưng, đó chỉ là biện pháp bảo hộ tạm thời, về lâu dài, nội lực mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp thép.

06/06/2016 09:25

Mới đây, Bộ Công Thương ban hành các quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu - những biện pháp hữu hiệu để “giải cứu” cho ngành thép trong nước. Thế nhưng, đó chỉ là biện pháp bảo hộ tạm thời, về lâu dài, nội lực mới là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp thép.

Trong những năm gần đây, ngành thép Việt Nam đã phát triển khá nhanh và đến nay, năng lực sản xuất phôi thép trong nước đã đạt khoảng 12 triệu tấn/năm; thép xây dựng khoảng 12 triệu tấn/năm và các loại sản phẩm khác như thép tấm, thép lá, cán nguội, tôn mạ màu... cũng xấp xỉ 5 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, lâu nay, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như vẫn “ngồi trên đống lửa”. Số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập hơn 4,7 triệu tấn thép, tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm 2015, với các sản phẩm chủ yếu là phôi thép, thép cuộn, dây thép, tôn mạ kim loại, hợp kim thép..., cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.

Đáng chú ý, sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc tới 2,9 triệu tấn, chiếm hơn 61% tổng lượng sắt thép nhập khẩu. Như vậy, lượng sắt thép mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc đã gần bằng 1/3 cả năm 2015 (năm 2015, sắt thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 9,6 triệu tấn).

VSA nhận định, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ thép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Nếu như những năm trước, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu một số loại phôi thép, thép mạ, thép hợp kim do nguyên liệu rẻ và công nghiệp thép trong nước chưa đáp ứng được... thì hiện nay, đã nhập nhiều loại thép mà các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được.

Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương trong tháng 3 và 4/2016, đã liên tiếp ban hành 2 quyết định quan trọng: Quyết định 862/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với thép dài và phôi thép nhập khẩu và Quyết định 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.

Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam gần đây gây thiệt hại nặng nề cho ngành thép trong nước, khiến các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa lao đao, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị phá sản. Nếu chậm áp dụng biện pháp tự về tạm thời sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất thép trong nước và khó có thể khắc phục được. Do đó, việc ban hành các quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu là giải pháp để hạn chế tình trạng bất lợi cho ngành sản xuất thép trong nước, trong bối cảnh thép nhập khẩu gia tăng đột biến.

Tuy vậy, dù việc ban hành chính sách tự vệ cho hoạt động sản xuất thép trong nước là rất cần thiết, nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời, chưa giải quyết được tận gốc rễ những bất cập của thị trường thép Việt Nam.

Trong thực tế, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp thép Việt vẫn bị đánh giá là rất yếu kém, nhiều doanh nghiệp vì không đủ năng lực tài chính nên vẫn vận hành lò điện cũ kỹ, hao tốn nhiên liệu và chi phí cao. Công suất nhỏ cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Sau khi quyết định áp thuế tự vệ được ban hành, Tổng công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường sản xuất, đặc biệt là sản xuất phôi thép, để cung cấp cho các đơn vị sản xuất trong ngành, thay thế hàng nhập khẩu; không để xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất, thiếu sản phẩm trên thị trường dẫn đến hiện tượng đầu cơ làm thiệt hại cho người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận; đồng thời điều chỉnh giá bán phù hợp với diễn biến của thị trường, hạn chế tình trạng tăng giá đột biến làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Ngoài ra, một bất cập nữa của ngành thép chính là việc dư thừa công suất. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm một số dự án thép lớn đi vào hoạt động với tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm, đó là: Thép Thái Trung (Thái Nguyên) công suất 500 ngàn tấn/năm, Dana- Ý ở Đà Nẵng (250 ngàn tấn/năm), Thép miền Trung (250 ngàn tấn/năm), An Hưng Tường ở Bình Dương (250 ngàn tấn/năm)..., nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 9 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu thép xây dựng trong nước chỉ dao động ở mức 6,3 triệu tấn/năm. Chỉ riêng thép xây dựng đã dư thừa gần 3 triệu tấn. Sản lượng thép dư thừa ngày càng nhiều, các doanh nghiệp thép phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Để có thể chủ động hơn khi cạnh tranh với thép nhập khẩu, nhất là thép giá rẻ từ Trung Quốc và cũng để các sản phẩm thép Việt khi xuất khẩu tránh được các rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ, thì vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng ngành thép đồng bộ, hiện đại, các doanh nghiệp thép chủ động nâng cao nội lực, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào các khâu thượng nguồn như sản xuất phôi thép. Khi có những biến động bất thường, nhà nước cần hỗ trợ những biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết đối với phôi thép.
Trong thực tế, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp thép Việt vẫn bị đánh giá là rất yếu kém, nhiều doanh nghiệp vì không đủ năng lực tài chính nên vẫn vận hành lò điện cũ kỹ, hao tốn nhiên liệu và chi phí cao. Công suất nhỏ cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.